Mới Chỉ Dừng Ở Quy Hoạch

Được biết, trước đó, vào cuối tháng 3/2022, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 1045/QĐ-UBND, phê duyệt đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, tỷ lệ 1/5.000 (đoạn từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở) với quy mô gần 11.000ha, thuộc địa giới hành chính của 55 phường, xã thuộc 13 quận, huyện. Đây được coi là động thái mạnh mẽ nhất của cơ quan chức năng sau nhiều lần câu chuyện khai thác khu vực sông Hồng được đưa ra bàn thảo. Tuy nhiên, đến nay, giấc mơ về kì tích sông Hồng vẫn chỉ dừng lại trên giấy.


Hội thảo quy tụ nhiều diễn giả tham gia và thảo luận

Phát biểu tại hội thảo, ông Đỗ Viết Chiến, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam nhấn mạnh, so với phía Tây và phía Nam thì phía Bắc và phía Đông Hà Nội đang sở hữu những xung lực tăng trưởng mạnh với lợi thế về hệ thống hạ tầng giao thông, cảng biển nước sâu. Nếu quy hoạch sớm được hiện thực hóa thì phía Bắc và phía Đông sẽ các cực tăng trưởng mạnh, có tốc độ đô thị hóa lớn của thủ đô. Tuy nhiên, do tất cả mới chỉ dừng ở quy hoạch nên đã dẫn đến việc thất thoát tài nguyên đất khi bãi Tứ Liên đã thành một nơi tự phát, không có sự đồng bộ, bài bản trong quy hoạch chung của thành phố. “Rõ ràng, nếu không triển khai nhanh, quỹ đất ven sông, nguồn lực để nuôi đô thị sẽ bị triệt tiêu. Trên quy hoạch phân khu được duyệt, cần xác định, hình thành các dự án và phân ra 3 loại cụ thể: bắt buộc đấu thầu; xã hội hóa; nhà nước và nhân dân cùng làm”, ông Đỗ Viết Chiến nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, kiến trúc sư ông Phạm Thanh Tùng – Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam nhận định quy hoạch phân khu của sông Hồng là một trong những bước tiến lớn của Hà Nội, có ý nghĩa quan trọng thúc đẩy thị trường bất động sản phía Đông phát triển. Nhưng trên thực tế, tất cả mới chỉ dừng ở quy hoach. Một số đại đô thị đang được triển khai ở phía Đông trở thành điểm sáng của thị trường nhưng vẫn là chưa đủ để phía Đông Hà Nội bứt phá và cất cánh.

Để sớm hiện thực hóa giấc mơ về thành phố 2 bên bờ sông, cần sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp và người dân. Kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng nhấn mạnh, cần lấy trục kinh tế phát triển để tạo sức mạnh thu hút các nhà đầu tư tham gia phát triển dịch vụ, kinh tế đi kèm tại phía Đông Hà Nội chứ không phải chỉ phát triển nhà ở. Nếu nhà ở đi trước một bước, nhưng trục kinh tế lại đi chỗ khác thì những khu nhà ở tại đó thành những khu nhà ở “ma”, kế hoạch phát triển thành phố bên kia sông không thể thành hiện thực.

Quy Hoạch Đô Thị: Cần Tránh Tình Trạng Tăng Giá Ảo

Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam cho biết khi các đề án quy hoạch được nghiên cứu và công bố đều trở thành cái cớ để không ít người “vin” vào đó đẩy giá bất động sản. Thực tế ghi nhận thời gian qua, khi quy hoạch về đô thị ven sông Hồng và triển khai đường vành đai 4 được công bố, giá bất động sản đã bị đẩy cao một cách bất hợp lý. Tại các khu vực này, nhiều chỗ mới chỉ cỏ mọc um tùm, chưa hề được đầu tư bài bản hạ tầng nhưng giá đất cao ngang với các khu vực nội đô Hà Nội. Do đó, ông Đính nhấn mạnh, khi quy hoạch đô thị, cần tránh tình trạng tăng giá ảo, giá rất cao nhưng không tạo ra giá trị. Quy hoạch không tốt thì sẽ tạo ra những bất động sản giá trị không cao.


Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam

Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam nhấn mạnh, các vùng đang có công bố quy hoạch luôn nằm trong điểm ngắm của các nhà đầu tư. Tuy nhiên, các nhà đầu tư cần hết sức thận trọng trong việc mua bán, giao dịch bất động sản tại những khu vực này bởi quy hoạch công bố nhưng vẫn có thể có sự chỉnh sửa để phù hợp. Nhà đầu tư nếu không tìm hiểu kĩ có thể mua phải đất quy hoạch công viên, cây xanh… Chính việc các nhà đầu tư tham gia vào các thị trường có công bố quy hoạch đang đẩy giá đất lên cao khiến giá bất động sản vượt tầm với của đại bộ phận người dân, kế đó là các khó khăn trong quản lý, thực thi pháp luật khiến thị trường bất động sản tiềm ẩn nhiều bất ổn.

Nguyên Nguyên