Cuối năm luôn là thời điểm sôi động của thị trường BĐS khi người mua kẻ bán xôm tụ đổ về. Với những nhà đầu tư có tài chính mạnh, đây là lúc dễ dàng kiếm được nguồn hàng tốt với giá phải chăng khi nhiều nhà đầu tư thấm đòn từ sức ép siết tín dụng cũng như lãi suất gia tăng buộc phải bán nhanh, ra hàng thoát lỗ.
Anh Đình Viễn, một nhà đầu tư tại quận 6, TP.HCM cho biết, phải chấp nhận “ngậm đắng, nuốt cay” bán tháo lô đất nền Củ Chi diện tích gần 1.500m2 với giá thấp hơn đáng kể so với giá thị trường để thoát hàng vì không thể cầm cự tiếp dưới sức ép tài chính.
Nhiều nhà đầu tư phải chấp nhận bán cắt lỗ nhà đất trong bối cảnh thị trường khó khăn về dòng tiền.
Vào thời điểm 2021, anh Viễn theo chân người quen về Lâm Đồng mua đất chờ con sóng hạ tầng. Để “tậu” lô đất này, anh phải đi vay ngân hàng hơn 15 tỷ đồng và gom góp gần như toàn bộ tài sản của gia đình với ý định mua xong sẽ phân lô, bán nền thu hồi vốn trong ngắn hạn. Tuy nhiên, thực tế cay đắng với anh Viễn khi cơn sốt đất Tây Nguyên đến nhanh đi vội, anh Viễn chưa kịp ra hàng thì địa phương siết phân lô tách thửa. Gần đây, lãi suất lại có xu hướng gia tăng, thị trường trầm lắng sau khi ngân hàng siết tín dụng làm anh không sang nhượng lại được dù giảm giá hơn cả tỷ đồng. Cực chẳng đã, anh Viễn phải bán thấp lô đất Củ Chi trước đó để lấy tiền thanh toán với phía ngân hàng, giảm áp lực tiền lãi mỗi tháng.
“Trong khi giá đất quanh đây được rao bán từ 14-16 triệu đồng/m2, tôi phải chấp nhận ra hàng với con số 11,5 triệu đồng/m2 vì đất lớn, tổng giá trị cao nên không dễ sang nhượng. Biết là mình bị người ta ép giá, tôi cũng đã kiên trì kéo dài với mong muốn có thể bán được với mức tốt hơn nhưng đến thời điểm này thì không thể cầm cự hơn. Phải chấp nhận thoát hàng dù bản thân không mong muốn”, anh Viễn cho hay.
Cùng hoàn cảnh phải thoát hàng với giá thấp hơn kỳ vọng, chị Quỳnh (TP. Thủ Đức) cho biết, thời điểm cuối năm 2021 chị bỏ ra gần 11 tỷ đồng để mua căn hộ tại TP. Thủ Đức sau thông tin “nóng sốt” về việc thị trường này thiết lập mức giá mới. Tuy nhiên hiện giờ chị Quỳnh phải chật vật ra hàng với giá gốc mà không kiếm được người mua. Đến nay dự án đã bàn giao nhưng chị mới thanh toán được 70% giá trị căn nhà, phần còn lại nếu muốn tiếp tục thanh toán thì phải đi vay ngân hàng. Tuy nhiên trong bối cảnh siết tín dụng, việc đi vay không hề dễ dàng, chưa nói đến lãi suất có thể sẽ tăng trong thời gian tới. Cực chẳng đã chị Quỳnh chấp nhận bán thanh lý, rẻ hơn gần 500 triệu đồng so với giá mua để hi vọng thoát hàng nhanh. Tuy nhiên bên mua vẫn có động thái ép giá xuống tiếp với mức giảm gần 700 triệu đồng mới cân nhắc.
Chia sẻ về giao dịch thị trường thời gian gần đây, lãnh đạo một doanh nghiệp BĐS tại TP.HCM cho biết, dòng tiền đầu tư trên thị trường BĐS đang chuyển hướng sang thế phòng thủ. Nhà đầu tư cân nhắc và thận trọng khi xuống tiền, nhất là với các BĐS có giá trị lớn. Dòng vốn cho BĐS đang rất khó khăn, nên nhà đầu tư có sẵn tiền sẽ giữ thế chủ động trong mọi giao dịch mua bán. Họ có tâm lý chỉ muốn tận dụng thời cơ để săn được hàng tốt giá mềm, chủ yếu là các sản phẩm thoát hàng từ dân đầu tư bị ngộp tài chính và ép được bước nào hay bước đấy. Những người khó khăn tài chính phải chấp nhận cân nhắc dòng tiền thời điểm này, quyết định tài chính có thể cầm cự trong dài hạn không vì có thể năm 2023, thị trường sẽ vẫn chưa thể khởi sắc.
Lãi suất ngân hàng gia tăng sẽ tạo thêm áp lực lên nhà đầu tư dùng đòn bẩy tài chính mua bất động sản.
Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển dự báo, trong những tháng cuối năm, thanh khoản trên toàn thị trường có thể sẽ tiếp tục giảm, đặc biệt giảm mạnh ở những loại hình BĐS chưa thể tạo ra dòng tiền khai thác, kinh doanh và các BĐS giá trị lớn. Hiện nay nhiều ngân hàng đã có động thái tăng lãi suất huy động và rục rịch tăng lãi suất cho vay. Điều này đồng nghĩa việc tiếp cận dòng vốn từ ngân hàng sẽ khó càng thêm khó. Áp lực của những nhà đầu tư dùng đòn bẩy tài chính càng nặng thêm nên nhiều khả năng, làn sóng bán cắt lỗ vẫn tiếp diễn trong các tháng tới.
cho rằng, tại những khu vực từng xảy ra “sốt đất”, giá tăng vọt trong thời gian ngắn nhưng không có tiềm năng thực sẽ có hiện tượng giảm giá do nhà đầu tư thanh lý ra hàng. Thực tế, hiện tượng này đã bắt đầu diễn ra từ năm nay khi nhiều nhà đầu tư gãy sóng phải cắt lỗ. Tuy nhiên, ở hướng ngược lại, với những nhà đầu tư có tiềm lực tài chính, có thể xem đây là giai đoạn hiện thực hóa các cơ hội đầu tư, đặc biệt trong bối cảnh áp lực lạm phát gia tăng. Trong giai đoạn tiền mặt là vua như hiện nay, bên có sẵn tiền sẽ có nhiều cơ hội mua BĐS với giá tốt.