Báo cáo thị trường BĐS tháng 7/2022 vừa được công bố mới đây cho thấy, nhu cầu tìm mua căn hộ và đất nền tại TP.HCM trong tháng vừa qua đều đang trong xu hướng giảm. Cụ thể, lượt tìm kiếm đất nền TP.HCM giảm 16%, nhà riêng giảm 2% và căn hộ giảm 3% so với cùng kỳ 2021. Nhà mặt phố và biệt thự liền kề là 2 loại hình ghi nhận nhu cầu tìm mua gia tăng, với mức tăng lần lượt 18% và 9% so với 7 tháng đầu năm 2021. Tuy nhiên nhu cầu mua chủ yếu tập trung vào các dự án cũ giao dịch trên thị trường thứ cấp do lượng sản phẩm sơ cấp không tăng trưởng nhiều.

hình ảnh khách hàng giao dịch căn hộ TP.HCMThanh khoản thị trường BĐS TP.HCM giảm mạnh trong tháng 7/2022 do ảnh hưởng từ tâm lý người tiêu dùng.

Xét về phân khúc căn hộ, nhu cầu tìm mua sản phẩm này đã giảm 3% so với cùng kỳ, bất chấp lượng tin rao bán tăng thêm 11%. Theo DKRA Việt Nam, tháng 7 vừa qua, thành phố chỉ có khoảng 819 căn hộ mới chào bán thành công, thanh khoản căn hộ tiếp đà giảm mạnh trên thị trường sơ cấp khi lượng giao dịch chỉ bằng 50% tháng 6 và kém 7 lần so với lượng bán được thời điểm tháng 5. Nếu tính các các thị trường căn hộ Bình Dương, Long An, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, tỷ lệ tiêu thụ căn hộ chỉ chỉ đạt 1.171 căn.

Tìm hiểu thực tế từ Batdongsan.com.vn cũng cho thấy, trong tháng 7 vừa qua, nhiều dự án có kế hoạch chào bán ra thị trường đều không ghi nhận kết quả bán hàng tích cực. Theo đó, có khoảng 10 dự án mới mở bán tại TP.HCM và các tỉnh xung quanh, tỷ lệ hấp thụ đều không vượt qua mức 50% nguồn hàng, nhiều dự án còn ghi nhận tỷ lệ tiêu chỉ ở mức 30-40%. Nhiều dự án chào bán trong tháng qua không công bố số liệu chính thức nhưng chủ đầu tư cho biết số lượng khách đã xuống tiền đặt cọc mua trước đó thay đổi quyết định, không chuyển sang ký hợp đồng mua bán gần đây tăng khá nhiều khiến doanh nghiệp phải hoãn lại kế hoạch mở bán tập trung theo dự kiến.

Một số doanh nghiệp đang chào bán căn hộ tại TP.HCM cũng cho hay, một số dự án ghi nhận lượng giao dịch giảm 60-70% so với quý trước. Thậm chí có cả những dự án từng ghi nhận thanh khoản nổi bật ở các tháng đầu năm dù không công bố số liệu bán hàng chính thức của quý 3/2022 nhưng đều xác nhận tỷ lệ bán hàng đi xuống so với các tháng trước đó. Thậm chí có dự án đã chạy thị trường từ đầu tháng 6 nhưng đến hiện tại chỉ ghi nhận tỷ lệ booking chưa đến 30%, phải đóng rổ hàng chờ chuyển biến tích cực hơn mới có kế hoạch mở bán tiếp.

Lý giải yếu tố khiến thanh khoản thị trường xuống thấp, ông Lê Bảo Long, Giám đốc Chiến lược của Batdongsan.com.vn cho biết, việc mặt bằng giá cao liên tục leo thang thời gian qua cùng động thái kiểm soát tín dụng tác động mạnh vào tâm lý nhóm khách hàng mua BĐS có tiềm lực tài chính hạn chế đã khiến sức tiêu thụ sụt giảm. “Tâm lý phòng thủ của người mua nhà trước áp lực từ việc kiểm soát tín dụng và sự e ngại về diễn biến vĩ mô không hỗ trợ thị trường BĐS khiến nhiều nhà đầu tư dù tích lũy đủ tài chính mua nhà vẫn chọn quan sát và không xuống tiền thời điểm này còn người có nhu cầu ở thực lo khó tiếp cận vốn vay”, ông Long chia sẻ.

Một dự án tại TP.HCMThị trường nhà đất được dự báo sẽ còn nhiều khó khăn khi đối mặt với tháng Ngâu tới đây

Báo cáo chỉ số tâm lý người tiêu dùng công bố hồi tháng 7 cũng chỉ ra, người mua nhà có xu hướng không muốn tham gia vào thị trường nửa cuối năm 2022. Cụ thể, 70% số người được hỏi không có kế hoạch mua hay thuê BĐS nào trong năm tới. Rào cản lớn nhất đối với việc mua BĐS là giá BĐS cao, tiếp đó là những khó khăn liên quan đến vay mua nhà như lãi suất vay cao và người muốn mua nhà không đủ khả năng để vay từ ngân hàng. Báo cáo cũng chỉ ra mức độ lạc quan của người mua nhà với thị trường BĐS giảm mạnh nhất khi đề cập đến khả năng tăng giá BĐS trong tương lai (giảm 22 điểm) và các chính sách hiện tại của Chính phủ (giảm 9 điểm) với 19% nhìn nhận tiêu cực.

Các chuyên gia dự báo, sức tiêu thụ của thị trường trong tháng 8 sẽ vẫn khó khăn khi rơi vào thời điểm tháng Ngâu và việc kiểm soát tín dụng chưa được giải quyết. Việc siết tín dụng tiếp tục kéo dài sẽ ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận vốn vay và tạo thêm áp lực lên người mua nhà cũng như khiến thị trường BĐS các tháng tới đây khó có chuyển biến tích cực nào lớn.