Mặt bằng giá liên tiếp bị đẩy cao

Tại quận Cầu Giấy, một loạt dự án như Tràng An Complex, Vinhomes Trần Duy Hưng, Thăng Long Number One, Indochina Plaza, Mandarin Garden… chỉ trong vòng khoảng 3 tháng gần đây, tùy từng dự án, giá bán đã tăng từ 1-3 triệu đồng/m2. Tương tự, tại quận Thanh Xuân, các dự án chung cư có vị trí trung tâm như Imperia Garden, Goldseason, Royal City, Rivera Park, Hapulico Vũ Trọng Phụng, Hanoi Center Point, Handiresco… cũng ghi nhận mức tăng trung bình từ 100-200 triệu đồng/căn so với khoảng 3 tháng trước.

Tại Hà Đông, một số dự án giá rẻ ở xa trung tâm như Mipec, ICID complex, Yên Nghĩa … hay các dự án thuộc phân khúc trung cấp như The Terra An Hưng, Anland Lakeview, Booyoung Mỗ Lao cũng ghi nhận mức tăng 100-250 triệu đồng/căn… Hay tại Hoài Đức, các dự án như Gemek Tower, The Golden An Khánh, Thăng Long Capital, Splendora, The Light… cũng ghi nhận mức tăng từ 100-200 triệu đồng/căn trong vòng 6 tháng đầu năm 2022. Ngay cả các dự án ở xa trung tâm thuộc huyện Đan Phượng, một số dự án cũng ghi nhận mức tăng lên tới vài trăm triệu đồng chỉ trong thời gian 3 đến 6 tháng.

Giá căn hộ chung cư Hà Nội liên tục tăng trong thời gian gần đây

Đáng nói, do khan hiếm nguồn cung, không chỉ phân khúc căn hộ tăng giá mà ngay cả nhà tập thể cũ có tuổi đời hàng chục năm thuộc các quận trung tâm cũng tăng giá với mức tăng trung bình từ 150-300 triệu đồng/căn (tùy vị trí, độ cũ, mới). Đơn cử, một căn hộ tập thể có diện tích khoảng 50m2 ở khu tập thể Thành Công từng chỉ được chào bán 1,9-2,3 tỷ đồng/căn vào tháng 2/2022 thì hiện tại cùng diện tích, giá chào bán là 2,3-2,6 tỷ đồng/căn. Những căn có diện tích hơn 100m2, từng được giao dịch với mức giá 3,3 tỷ đồng/căn vào tháng 3/2022 thì ở thời điểm hiện tại, cùng diện tích, giá chào bán là 3,5-3,7 tỷ đồng/căn. Mức tăng này cũng diễn ra tương tự tại nhà tập thể Giảng Võ, nhà tập thể Kim Liên, tập thể Nguyễn Thái Học, tập thể Đường Láng…

Nhà đầu tư thu lợi nhuận với căn hộ chung cư

Trước năm 2019, việc đầu tư chung cư gần như chỉ mang lại thua lỗ cho nhà đầu tư. Việc bán được ngang giá hoặc cắt lỗ là thực tế mà những người đầu tư chung cư vấp phải. Thế nhưng, từ 2020 đến nay, mọi chuyện đã khác hẳn.

Năm 2020, anh Nguyễn Tiến Hoàn (Cầu Giấy, Hà Nội) tất tay toàn bộ số tiền tích lũy của mình vào dự án The Terra An Hưng (Hà Đông) với mục đích mua cho thuê. Căn hộ 2 ngủ 2 vệ sinh được anh mua với giá 1,9 tỷ đồng. Đơn giá của dự án khi đó là 24-26 triệu đồng/m2. Sau khi dự án bàn giao, anh cho thuê được với giá 12 triệu đồng/tháng. Đến tháng 5/2022 do cần tiền để đầu tư, anh quyết định rao bán, căn hộ được giao dịch thành công với mức giá 2,6 tỷ đồng. Anh Hoàn cho biết trước đó bạn bè anh đầu tư chung cư và bán vào những giai đoạn 2017-2019 thì đều bị lỗ, chính bản thân anh cũng bất ngờ với mức lợi nhuận mình thu được với căn hộ ở Hà Đông.

Khác với anh Hoàn, chị Lê Minh Châu (Hà Đông, Hà Nội) mua căn hộ 54m2 Mipec ở Kiến Hưng (Hà Đông) vào năm 2020 có giá gần 1 tỷ đồng với mục đích để ở, không nghĩ đến chuyện đầu tư. Mới đây, do thay đổi chỗ làm, gia đình chị chuyển về sinh sống cùng bố mẹ chồng nên quyết định rao bán căn hộ ở Mipec. Với giá mua gần 1 tỷ đồng, sau hơn 2 năm ở, chị bán thành công với mức giá 1,5 tỷ đồng. “Bản thân tôi rất bất ngờ với số tiền lời mình thu được khi bán căn hộ. Hồi mua căn hộ này bố mẹ và người thân đều “gàn” vợ chồng tôi do nghĩ rằng chung cư là tiêu sản. Thế nhưng, thực tế lại diễn biến hoàn toàn trái ngược”, chị Châu cho biết.

Lý giải về việc giá căn hộ liên tục tăng cho biết giá căn hộ chung cư tại Hà Nội tăng cao là do nguồn cung khan hiếm, trong khi nhu cầu ở thực của người dân là rất lớn và hiện hữu. Ngoài ra, giá bán chung cư tăng còn do giá nguyên vật liệu xây dựng, chi phí nhân công, thời gian dự án kéo dài do tắc pháp lý… Cùng với đó, việc giá đất nền, nhà phố tại vùng ven các thành phố lớn tăng mạnh cũng đã đẩy giá căn hộ chung cư tăng theo.