Giá bán đang “đứng yên”
Những điểm nóng đất nền của Quảng Ninh trong năm 2021 đã không còn “nhúc nhích” về giá trong nửa đầu năm 2022, khác hẳn với những cơn nhảy múa về giá của năm 2021. Điểm nóng “Quảng Yên” đã nguội lạnh từ cuối năm 2021 đến thời điểm hiện tại. Trong cơn sốt đất đầu năm 2021, đất nền khu Thống Nhất (phường Tân An, thị xã Quảng Yên) bị đẩy lên mức 18-21 triệu đồng/m2 thì từ cuối năm 2021 đến nay, giá bán chỉ còn dao động ở mức 12-15 triệu đồng/m2. Đất tại Tân Thành, đối diện khu phức hợp Hạ Long Xanh, giá bán thời điểm tháng 6/2022 là ở mức 14-15 triệu đồng/m2 – mức giá của năm 2021. Tương tự, đất tại Đồng Mát ở thời điểm hiện tại vẫn đang giữ nguyên mức giá 8-10 triệu đồng/m2 của năm 2021. Đất tại Tân Thành, đối diện khu phức hợp Hạ Long Xanh, có xu hướng nhích nhẹ, từ mức 14-15 triệu đồng/m2 của năm 2021, lên mức 14-16,5 triệu đồng/m2 ở thời điểm hiện tại.
Điểm nóng “Quảng Yên” đã nguội lạnh từ cuối năm 2021 đến thời điểm hiện tại
Năm 2021, với thông tin sắp lên thành phố, đất tại thị xã Đông Triều (Quảng Ninh) cũng quay cuồng trong cơn sốt. Nửa đầu năm 2022, giá đất tại khu vực này bắt đầu đi ngang. với thông tin Đông Triều sắp lên thành phố và nhiều dự án lớn sắp được triển khai. Đất tại khu đô thị Tân Việt Bắc hiện chào bán và giao dịch ở mức 20-22 triệu đồng/m2 – mức giá của năm 2021. Đất tại Vĩnh Lâm (Mạo Khê) cũng được chào bán ở mức giá của năm ngoái là 18-20 triệu đồng/m2.
Một trong những điểm nóng của bất động sản Quảng Ninh trong thời điểm đầu năm 2022 là Móng Cái thiện nay cũng đang khá im ắng. Thời điểm sau Tết, đất nền Móng Cái ghi nhận mức tăng 10-20% so với cuối năm 2021 với mặt bằng giá mới được thiết lập trung bình là 23-28 triệu đồng/m2. Giá đất thổ cư trong dân là ở vị trí tương đối đẹp dao động từ 20-35 triệu đồng/m2. Hiện mặt bằng giá đất này vẫn đang giữ nguyên đến thời điểm hiện tại là tháng 7/2022.
Giao dịch nhỏ giọt
Giá đi ngang và giao dịch của thị trường đang khá chậm chạp. Chị Huyền Trang, môi giới một sàn giao dịch tại thành phố Hạ Long (Quảng Ninh) cho biết siết tín dụng đã khiến dòng tiền đổ vào Quảng Ninh “kém” hơn hẳn so với năm ngoái. Gần 3 tháng nay, chị chỉ có đúng 2 giao dịch trên thị trường thứ cấp. Nhiều môi giới làm cùng sàn với chị còn không có giao dịch nào.
Giao dịch trên thị trường đang vô cùng “nhỏ giọt”
Đồng quan điểm với chị Trang, nhà đầu tư Nguyễn Văn Trọng (Cẩm Phả, Quảng Ninh) cho biết, ông rao bán 2 lô đất nền tại Đông Triều và Uông Bí từ gần 2 tháng nay nhưng vẫn chưa bán được, dù giá rao bán đang thấp hơn 1 giá so với mặt bằng giá chung của thị trường. “Sức mua của thị trường đang chậm lại, trái ngược hẳn so với cùng kì năm ngoái. Nhiều môi giới khuyên tôi nếu giảm sâu hơn là khoảng 3 giá thì sẽ bán được nhưng tôi chưa cần tiền đến mức đó”.
Nhận định về thị trường đất nền Quảng Ninh, ông Đỗ Quý Duy, Giám đốc kinh doanh tập đoàn Hải Phát cho biết các chính sách của nhà nước như siết tín dụng ngân hàng và một số chính sách liên quan đến các sai phạm của doanh nghiệp trong lĩnh vực đất đai khiến thị trường bất động sản Quảng Ninh bị ảnh hưởng nhất định, giao dịch trên thị trường chậm lại. Về loại hình đất nền, từ cuối năm 2021 đến thời điểm hiện tại của 2022, nguồn cung đất nền Quảng Ninh không có nhiều. Ông Duy cho biết tính thanh khoản của đất nền trong năm 2021 vẫn ổn định nhưng sang đến năm 2022, giá lên cao và bắt đầu đi ngang, tính thanh khoản yếu hơn. Tuy nhiên, theo ông Duy, thị trường chưa ghi nhận bất cứ dự án nào có yếu tố điều chỉnh giảm giá. Đáng chú ý, phần lớn các nhà đầu tư loại hình đất nền đều có tính toán kĩ lưỡng với bối cảnh thị trường sắp tới. Nhìn chung, họ đã có động thái cơ cấu tài chính để sẵn sàng chờ đợi thị trường hồi phục vào năm 2023-2024. Ông Duy nhấn mạnh, trong năm 2022, đất nền Quảng Ninh sẽ không có nhiều nguồn cung mới và giá sẽ không tăng trưởng quá nhanh mà có tính ổn định. Thanh khoản của thị trường cũng sẽ không được tốt như các năm trước.