Dọn “bến” để đón vốn ngoại

Chia sẻ về triển vọng thị trường tại Diễn đàn BĐS Công nghiệp Việt Nam 2022 do Báo Đầu tư phối hợp với Công ty BW Industrial tổ chức ngày 24/5, ông Lance Li, TGĐ Công ty BW Industrial cho hay, Việt Nam hiện đang là một trong những điểm đến hấp dẫn nhất của ngành công nghiệp trong khu vực Đông Nam Á. Kinh tế Việt Nam trên đà hồi phục, giải ngân vốn FDI trong quý 1/2022 đạt 4,4 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước và cao nhất trong năm 5 gần đây. Việc Nam được kỳ vọng sẽ trở thành nền kinh tế phát triển nhanh nhất ASEAN năm 2022 với tốc độ tăng trưởng GDP dự kiến đạt 6,5%.
“Lĩnh vực sản xuất công nghiệp cũng khởi sắc, chỉ số PMI ngành sản xuất Việt Nam ghi nhận tăng trưởng 7 tháng liên tiếp, thị trường lao động trên đà phục hồi do tỷ lệ tiêm chủng Covid-19 cao. Việt Nam tiếp tục là điểm sáng thu hút các doanh nghiệp FDI lớn như LG, Samsung, Nike, LEGO, Pandora…”, ông Lance Li cho biết thêm.

Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn trong thu hút vốn đầu tư vào thị trường bất động sản công nghiệp.

Riêng với sự phát triển của BĐS công nghiệp, bà Trang Bùi, TGĐ Cushman & Wakefield Việt Nam nhận định, trong năm 2021, mặc dù chịu ảnh hưởng bởi giãn cách xã hội, nhưng nhu cầu thuê mặt bằng công nghiệp vẫn tăng cao. Đáng chú ý, dòng vốn FDI giờ đây không chỉ tập trung vào các khu kinh tế trọng điểm phía Bắc và phía Nam, mà còn mở rộng ra nhiều địa phương khu vực miền Trung như Quảng Trị, Nghệ An, Hà Tĩnh…
Từ đầu năm 2022 tới nay, thị trường tiếp tục chứng kiến nhu cầu thuê mặt bằng tăng mạnh tại các địa phương công nghiệp mới nổi. Gần đây nhất, ông lớn trong ngành giải khát Coca Cola công bố đầu tư nhà máy hơn 136 triệu USD tại Khu công nghiệp Phú An Thạnh, Long An. Những thống kê trên phần nào cho thấy, các nhà đầu tư ngoại có niềm tin vững chắc vào triển vọng thị trường BĐS công nghiệp Việt Nam.
Ông Trần Duy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, hiện nay, cả nước có 335 KCN với tổng diện tích hơn 100.000 ha đang tiếp tục phát triển mạnh để đáp ứng nhu cầu đầu tư, sản xuất của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Các khu công nghiệp đang từng bước chuyển đổi mô hình phát triển theo hướng bền vững hơn về kinh tế, xã hội và môi trường. Chính phủ đã và đang chuẩn bị những điều kiện cần thiết như hoàn thiện thể chế, môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, ưu tiên các dự án sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường. Các khu công nghiệp, khu kinh tế được hoàn thiện kết cấu hạ tầng, nhà xưởng và chất lượng quốc tế, nghiên cứu thí điểm một số cụm liên kết ngành nhằm hình thành mạng lưới sản xuất, chuỗi cung ứng và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu tại một số địa phương, sẵn sàng đón nhận làn sóng chuyển dịch đầu tư mới, trở thành cứ điểm sản xuất quan trọng của thế giới.
Giải bài toán chi phí và pháp lý
Bàn về điểm nghẽn chính trong thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực BĐS nói chung, BĐS công nghiệp nói riêng ở Việt Nam hiện nay, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, hành lang pháp lý chưa đồng bộ, thống nhất đang là yếu tố tác động nhiều nhất tới thị trường BĐS, đặc biệt trong việc thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này.
Tuy nhiên, vừa qua, Chính phủ đã thống nhất xây dựng Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi để trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 4 diễn ra vào tháng 10/2022. Đồng thời, có đề nghị trình Quốc hội cho ý kiến về Luật Đất đai sửa đổi để tạo cơ sở pháp lý đối với hoạt động kinh doanh quyền sử dụng đất. Khi được thông qua, các sắc luật này sẽ có tác động lớn đến thị trường bất động sản bởi giúp xóa bỏ những mâu thuẫn pháp lý trong hoạt động đầu tư, kinh doanh BĐS tồn tại bấy lâu nay.

Nhiều ý kiến góp ý nhằm tháo gỡ những vướng mắc của thị trường BĐS Việt Nam được thảo luận trong hội nghị.

Bà Trang Bùi nhận định, thị trường Việt Nam đang được thống trị bởi các nhà đầu tư nội địa, điều này lý giải vì sao nhiều nhà đầu tư quốc tế tham gia thị trường chủ yếu bằng hình thức liên doanh với các đối tác trong nước hoặc thông qua hoạt động mua bán – sáp nhập (M&A), mà hạn chế thực hiện các giao dịch BĐS thuần túy. Nguồn tiền đầu tư không hề thiếu, nhưng vấn đề nằm ở cơ hội. Các nhà đầu tư nước ngoài có nhiều vốn và luôn chờ được đầu tư trực tiếp vào BĐS. Vậy nên tính minh bạch và cơ chế thông thoáng rất quan trọng.
Còn theo ông Bruno Jaspaert, TGĐ Tổ hợp KCN DEEP C, các quốc gia Đông Nam Á đang chiếm ưu thế trong việc thu hút các nhà sản xuất từ tay Trung Quốc nhờ vào chi phi thấp, tiêu dùng trong nước gia tăng và cơ sở hạ tầng đang được cải thiện. Điều này sẽ giúp hoạt động đầu tư BĐS công nghiệp tại các nước Đông Nam Á gia tăng đáng kể, với hiệu suất đầu tư tại một số thị trường được kỳ vọng vượt trên 10%.
Tuy nhiên, việc dịch chuyển công xưởng từ quốc gia này sang quốc gia khác không thể diễn ra trong một sớm một chiều, đi kèm với chi phí đầu tư đáng kể và cần có thời gian để hiểu được động lực của một quốc gia mới và mạng lưới chuỗi cung ứng hiện có. Thế mạnh của Việt Nam là nền chính trị ổn định, có lực lượng lao động trẻ với tay nghề cao dồi dào, chi phi lao động tương đối thấp so với các nước trong khu vực và chỉ bằng 1/3 Trung Quốc. Tuy nhiên rào cản với sự tăng trưởng của thị trường BDS công nghiệp Việt Nam hiện nay lại là chi phí dành cho Logistic khá đắt đỏ, thiếu tính cạnh tranh nếu so sánh với những thị trường khác trong khu vực. Giải được bài toán chi phí này, dòng vốn ngoại sẽ đổ mạnh vào Việt Nam.