Đầu tháng 4/2022, một cuộc đấu giá đất diễn ra tại một xã ở huyện Vũ Thư (Thái Bình), những lô đất đã được định giá “sát” giá thị trường với giá khởi điểm từ 8-10 triệu đồng/m2. Tổng giá trị một lô đất lúc chưa đấu giá dao động trong khoảng 700 triệu đồng – 1 tỷ đồng/lô. Đây là mức giá nằm trong “tầm với” của người dân có nhu cầu mua ở thực. Chị Trần Hồng Hạnh, một người dân tại xã Nguyên Xá, giáp xã có đấu giá đất cho biết chị đang có ý định mua đất tại đây nhưng khi nắm được thông tin thì đã hết hạn nộp hồ sơ nên dự định sẽ mua lại của những người trúng đấu giá. “Tôi nghĩ “đấu” lên cùng lắm 1-2 triệu đồng mỗi m2 là hợp lý. Tôi sẽ mua lại của những người trúng, thường họ sẽ kê chênh khoảng 50 triệu đồng mỗi lô”, chị Hạnh chia sẻ.
Tại các vùng nông thôn, đấu giá đất khiến mặt bằng giá đất bị đẩy lên cao
Chỉ có hơn 30 lô đất được đấu giá, nhưng khu đất đã thu hút hàng trăm hồ sơ. Đến phiên đấu giá chính thức thì mức giá trúng đấu giá không phải là chênh 1-2 triệu đồng mỗi m2 mà bị đẩy lên gần gấp đôi. Nhiều người dân địa phương đã rất ngạc nhiên vì mức giá này. “Đất khu đó dù vị trí đẹp nhưng giá đất ở các vị trí tương đương từ trước đến giờ ở đây cũng chỉ tầm 7-10 triệu đồng/m2, chỉ những vị trí mặt tiền đường kinh doanh mới có giá 15-20 triệu đồng/m2. Toàn người ở nơi khác, vùng khác đến đấu giá làm loạn thị trường”, chị Hạnh cho biết. Sau buổi đấu giá đó, nhiều lô đất dân xung quanh vốn trước đó chỉ ghi nhận mức chào bán và giao dịch loanh quanh 7-10 triệu đồng/m2 cũng được chào bán 12-15 triệu đồng/m2. Đến nay, nhiều chủ đất vẫn rao giá cao dù không có thanh khoản. “Khi thấy đất đấu giá quá cao, tôi chuyển sang hỏi mua đất trong dân nhưng sau cuộc đấu giá, những lô đất dân có vị trí tương tự cũng tăng lên vài triệu đồng/m2”, chị Hạnh cho biết.
Nhiều cuộc đấu giá đất đã đẩy giá đất địa phương lên cao. Một cuộc đấu giá đất ở một khu dân cư gần các khu công nghiệp ở Phổ Yên (Thái Nguyên) vào năm ngoái thu hút đông đảo giới đầu tư ở nhiều địa phương đổ về cũng thổi đất ở đây từ mức 7-9 triệu đồng/m2 với những lô đường nhỏ lên 11-13 triệu đồng/m2. Những lô mặt tiền, vị trí đẹp có giá thị trường ngoài 20 triệu đồng/m2 cũng bị đẩy lên gần 40 triệu đồng/m2. Tình trạng này cũng diễn ra tương tự tại Nghệ An, Bắc Giang, Nam Định, Bắc Ninh…
Tình trạng bỏ giá đất cao ngất ngưởng với mục đích tạo sóng kiếm lời làm nhiễu loạn thị trường vẫn tiếp tục tiếp diễn. Mới đây nhất, UBND huyện Diễn Châu vừa có quyết định về việc huỷ bỏ kết quả trúng đấu giá và thu nộp ngân sách Nhà nước số tiền đặt cọc của khách hàng tham gia đấu giá quyền sử dụng các lô đất tại vùng quy hoạch dân cư các xã Diễn Vạn, Diễn Đồng, Diễn Phúc, Diễn Bích, Diễn Mỹ. Lý do huỷ là các hộ gia đình, cá nhân được công nhận kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất không nộp tiền, nộp không đủ tiền sử dụng đất đúng thời hạn theo quy định.
Trên thực tế, không chỉ những người tham gia đấu giá đất đẩy giá đất lên cao mà chính công tác định giá đất của địa phương nhiều khi cũng không hề chuẩn xác. Tại Hà Tĩnh, 9 lô đất đấu giá tại thôn Hòa Bình, xã Lâm Trung Thủy, huyện Đức Thọ có giá khởi điểm 18-22 triệu đồng/m2 đã không bán được bộ hồ sơ nào nên việc đấu giá lần 1 cho 9 lô đất không thành. Nguyên nhân là do giá khởi điểm các lô đất quá cao nên không thể bán được hồ sơ. Mới đây, UBND tỉnh Nam Định phê duyệt giá khởi điểm một số lô đất cao ngất ngưởng để tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất cho nhân dân làm nhà ở tại 7 xã thuộc huyện Mỹ Lộc cũng khiến người dân và giới đầu tư giật mình vì mức giá cao so với thực tế.
Cùng với nhiều yếu tố khác, thì tại các vùng nông thôn, đấu giá đất đang góp phần khiến mặt bằng giá đất bị đẩy lên cao, khiến việc tiếp cận bất động sản của người dân có nhu cầu mua ở thực ngày càng trở nên khó khăn. Nhìn nhận về vấn đề này, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, cần tăng cường công tác quản lý, thanh kiểm tra tình trạng tạo sốt đất “ảo”, thông thầu, bắt tay “ngầm” trong các cuộc đấu giá đất nhằm lành mạnh hóa thị trường, kéo giá đất về đúng giá trị thực. Nhờ vậy, thị trường bất động sản mới đảm bảo tính minh bạch và tạo được lòng tin đối với các nhà đầu tư trong, ngoài tỉnh và tránh thất thu ngân sách Nhà nước.