Giàu lên nhờ bán đất

Chuyển vào Nam sinh sống gần chục năm, ông Tuân (Đồng Phú, Bình Phước) không ngờ ngày mà mình có thể “áo gấm về làng” lại không phải là nhờ làm lụng bao năm mà là từ bán đất phất lên. Ông cho biết vừa bán xong mấy mẫu đất vườn với giá 5,7 tỷ đồng, gom tiền quay về Bắc Ninh sinh sống sau bao năm xa xứ làm ăn.
“Nếu không có sốt, công đất nhà tôi nhiều nhất giá chỉ được tầm 2 tỷ đồng. Nghe nói chủ đất mới cũng là dân ngoài Bắc vào mua, không biết người ta mua đất của mình rồi làm gì nhưng chắc là không để canh tác”, ông Tuấn chia sẻ. Tuy nhiên bản thân ông cũng không quan tâm đến vấn đề này vì “đã bán rồi thì còn để ý mấy cái đó làm gì”.
Cũng vừa bán xong nhà tại huyện Gò Dầu (Tây Ninh), ông Phước Sang cho biết đây không phải quyết định nhất thời vì trước đó, vợ chồng ông đã tính toán chuyển về Sài Gòn sống cùng con gái nhưng lấn cấn mãi vẫn chưa dứt khoát được. Giá đất lên cao đã thúc đẩy vợ chồng ông dứt khoát bán. Được biết khu đất hơn 1,3ha của gia đình ông nhờ vị trí đẹp mà bán ra được giá hơn 5 tỷ đồng. Ông quyết định chia cho các con một ít, còn lại thì gửi ngân hàng để bảo đảm cho vợ chồng già nghỉ hưu.

Sóng săn nhà đất đang khiến nhiều hộ gia đình nông thôn trở thành tỷ phú nhờ bán đất. Ảnh minh họa

Cũng bị cuốn vào làn sóng bán đất khi giá lên chóng mặt, ông Chiến (H. Minh Hưng, Bình Long) cho biết những ngày qua gia đình khá mệt mỏi vì những cuộc điện thoại môi giới cò bán đất.
“Không biết thông tin từ đâu mà nhiều người cho rằng tôi đang muốn bán mấy công đất của gia đình mình. Vậy là từ một tuần nay, nhiều môi giới không quen biết liên tục gọi vào số điện thoại của tôi hỏi diện tích hỏi giá bán gia đình mong muốn. Khi tôi nói thẳng là không có nhu cầu bán thì vẫn bị làm phiền bởi những lời cò cưa, giới thiệu. Thậm chí là có nhiều số đến từ người quen chuyển sang làm môi giới đất cũng ngỏ ý nhắn tôi có bán thì ưu ái tìm họ, sẽ có giá tốt”.
Dù ngay từ đầu không có ý định bán đất nhưng những ngày qua khi được nhiều môi giới tư vấn, thấy đất nhà mình tăng cao ông Chiến cũng lung lay. Chính bản thân ông cũng hiểu, khu đất nhà mình là đất canh tác cây lâu năm, tiềm năng kinh tế chỉ có vậy, bao năm nay không thay đổi, giá đất lên không phải do giá trị kinh tế mà là do nhu cầu mua nhà đất tăng, người ta đi săn đất trong cơn sốt mới có tình trạng đất nhà ông tăng vùn vụt nên ông cũng phân vân muốn nhân cơ hội này bán đất sẽ kiếm được số tiền lớn.
Đua nhau chuyển hướng làm môi giới đất
Làn sóng sốt đất không chỉ đẩy giá BĐS tại nhiều địa phương lên cao, tạo ra tình trạng mua bán rầm rộ tại nhiều địa phương mà còn giúp sản sinh ra đội ngũ môi giới không chuyên hùng mạnh. Anh Bình, một môi giới đất tại huyện Lộc Ninh cho biết, anh mới vô nghề này 4 tháng nhưng cũng kiếm được đồng ra đồng vào. Trước đó anh làm công cho một xưởng sản xuất nước đóng chai trên địa bàn, lương tháng 8 triệu đồng. Từ ngày chuyển qua môi giớ đất, cuộc sống khá lên nhiều.
Từng công tác trong hội phụ nữ xã, chị M.T cũng bỏ nghề sang làm môi giới đất gần 6 tháng nay. Nghề này tuy vất vả, phải chịu khó đi nhiều mới kiếm được nguồn hàng và cạnh tranh va vấp cũng không ít nhưng được cái thu nhập tốt. So với làm công ăn lương thì lên nhanh hơn. Chị T cũng cho hay không tính gắn bó lâu dài mà chỉ làm thời vụ. Sau này sẽ ít đi môi giới đất lại, kiếm công việc ổn định hơn nhưng vẫn sẽ giữ chân làm ăn trong nghề này vì chị tin rằng, ít nhất là vài năm nữa đất vẫn sẽ còn nóng.

Dòng tiền đổ mạnh vào đất thay vì sản xuất, phát triển nông nghiệp cũng gây ảnh hưởng không nhỏ cho nền kinh tế. Ảnh minh họa

Tìm hiểu thực tế cho thấy, trong cơn sốt đất vẫn khá rầm rộ tại nhiều địa phương thuộc tỉnh Bình Phước, Tây Ninh, Gia Lai, Com Tum, Lâm Đồng… giá đất thổ cư, đất nông nghiệp có một phần thổ cư và đất vườn đều đang tăng chóng mặt. Từ mức giá chỉ khoảng 20.000 – 50.000 nghìn/m2, hiện nay giá đất nông nghiệp rao bán nhiều nơi tăng lên con số gần 100.000-700.000 đồng. Đất vườn có thổ cư thì giá tầm 1,2-2 triệu/m2, riêng đất thổ cư ở các khu nông thôn giá từ 5-8 triệu/m2, đất thổ cư trong đô thị có giá từ 12-15 triệu/m2. Những công đất nông nghiệp với giá chỉ khoảng 1-2 tỷ đồng nay được rao bán lại với giá tăng gấp đôi, thậm chí là gấp ba lần mức giá 1-2 năm trước đó. Nhiều người sở hữu đất bỗng chốc giàu lên khi cầm trong tay tiền tỷ mà cả đời họ chưa bao giờ nghĩ đến.
Một trong những nguyên nhân khiến đất nền tại nhiều địa phương tăng “sốt” trong thời gian qua, theo giới chuyên gia là có tiếp tay từ đội ngũ các môi giới BĐS hoạt động không chuyên nghiệp. Thị trường càng nóng thì nhân sự gia tăng chuyển từ các ngành nghề khác sang càng đông, chưa nói đến một bộ phận những người không có trình độ cũng muốn trở thành môi giới BĐS. Không ít người sẵn sàng dùng các chiêu trò như tung tin đồn thổi, mua đi bán lại, lôi kéo nhiều người tham gia theo tâm lý đám đông vào các giao dịch, gây nhiễu loạn thông tin, nhằm đẩy giá đất lên cao trục lợi dẫn đến rủi ro cho khách hàng và khiến thị trường khó kiểm soát, dễ bị đổ vỡ.
Từ những thông tin đồn thổi về quy hoạch trên mạng xã hội kết hợp cùng chiêu trò tâm lý đám đông mà các cò đất tạo ra mà nhiều mảnh đất được tăng giá trị gấp 2 – 3 lần so với giá thực tế. Điều này làm không ít các nhà đầu tư sa bẫy, bán tháo nhà, đất hay vay tiền đầu tư BĐS, nhiều người dân đang có đất canh tác chọn cách bán đất, kiếm tiền nhanh mà chưa nghĩ về hệ lụy lâu dài sau khi không còn đất làm ăn. Ngoài ra, môi giới BĐS là lĩnh vực mang lại nhiều thu nhập so với các ngành nghề khác trong xã hội, nhưng phần lớn chưa thực hiện việc kê khai, đóng thuế thu nhập cá nhân theo đúng quy định của pháp luật. Điều này gây bất bình đẳng trong xã hội, làm thất thoát nguồn thu lớn cho ngân sách nhà nước.
Hệ lụy trước hết là tiền của người dân, doanh nghiệp đổ vào BĐS quá nhiều, làm thiên lệch tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Sốt đất, giá ảo sẽ gây ra lạm phát, kìm hãm sự phát triển, gây hệ lụy về xã hội khi người có nhu cầu nhà ở thật, cần đất canh tác không thể mua, trong khi nhà đầu cơ chiếm đất để không gây hoang phí.