Giá đất tăng cao

Các thông tin xây dựng cao tốc ven sông, đường vành đai 3, vành đai 4 và việc tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư mới đây, cùng việc rỉ tai nhau đang có nhiều ông lớn đổ về chiếm cứ quỹ đất phát triển đại dự án đang khiến giá BĐS Hóc Môn, Củ Chi nhảy múa liên tục. Hoạt động mua bán diễn ra nhộn nhịp từ đầu tháng 3 đến nay, đất thổ cư, đất thổ cư xen lẫn đất nông nghiệp, đất trồng cây lâu năm… đều được mua đi bán lại với tầm giá tăng từ 30-50% chỉ trong vài tháng qua.
Nhiều sàn môi giới tại Củ Chi, Hóc Môn, cho biết từ đầu tháng 3/2022, giao dịch nhà đất tại hai huyện ngoại thành này đã rất sôi động. Thậm chí là ngay trong những ngày nghỉ lễ 30/4 vừa qua, không ít nhà đầu tư vẫn chăm chỉ đổ về các xã Tân Thạnh Đông, Tân Thạnh Tây, An Nhơn Tây, Bình Mỹ (Củ Chi), Xuân Thới Thượng, Xuân Thới Đông, Tân Thới Nhì, Bà Điểm (Hóc Môn) tìm mua đất. Loại đất được tìm mua nhiều nhất ở Củ Chi là đất vườn, đất ở, diện tích trung bình 300-500m2, nhất là các khu đất dọc ven sông, kênh rạch. Giá đất cũng biến động chóng mặt, đất trồng cây lâu năm có giá từ 2,5-4 triệu đồng/m2, tăng 2-3 triệu đồng so với đầu năm. Đất vườn liền thổ cư thì từ 7-10 triệu đồng/m2, tăng gấp đôi so với cuối năm 2021. Đất thổ cư diện tích nhỏ giá trung bình 18-25 triệu đồng/m2. Đất dự án có giá 15-20 triệu đồng/m2.

Giá đất thổ cư, nông nghiệp và đất nền dự án tại Hóc Môn, Củ Chi tăng mạnh nhờ ăn theo các thông tin quy hoạch và xúc tiến đầu tư.

Anh Linh, một môi giới đất tự do tại xã Bình Mỹ cho biết, giá đất ở đây đang tăng theo từng tuần, nhiều nhà đầu tư “trúng đậm” vì mua sớm. Thời điểm đầu tháng 2, anh môi giới cho một nhà đầu tư ở Sài Gòn lô đất 500m2 giá 1,3 tỷ đồng, giờ có người hỏi sang tay giá 1,6 tỷ đồng mà chủ chưa chịu bán. “Đất quanh quanh khu này không có lô nào giá dưới 1,7 tỷ đồng, nhiều người hỏi mua nhà chủ đất ước chừng giá còn tăng nữa nên không ai chịu bán”, anh Linh cho biết.
Không chỉ ở Củ Chi, tình trạng sốt đất cũng xảy ra ở Hóc Môn. Dạo quanh nhiều xã ở huyện Hóc Môn như Xuân Thới Thượng, Xuân Thới Sơn, các lô đất thổ cư diện tích 100-150m2 đều có giá giá từ 4-4,5 tỷ đồng. Những lô diện tích nhỏ 50-80m2 thì giá không dưới 2,8 tỷ đồng/lô. Hầu hết các lô đất có tuyến đường nhựa đều đã tăng 30-50% so với giá rao bán cuối năm trước. Riêng với các lô đất trên các khu dân cư hiện hữu hay thuộc khu vực gần trung tâm, đường lớn, giá đang dao động ở tầm từ 35-50 triệu đồng/m2. Không chỉ đất thổ cư, đất vườn tại nhiều xã Hóc Môn cũng tiệm cận tầm giá 3,5-5 triệu đồng/m2, còn đất nền dự án tại đây nhảy múa ở khoảng giá từ 25 -40 triệu đồng/m2.
Sốt đất giảm nhiệt, giá vẫn chưa giảm
Trái ngược với diễn biến giá đất, lượng giao dịch thực tại các thị trường này những ngày gần đây đang có chiều hướng giảm, ít có giao dịch thực thông qua hợp đồng mua bán có công chứng. Theo đại diện chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai huyện Củ Chi và Hóc Môn, lượng hồ sơ sang nhượng nhà đất có tăng nhưng không đột biến.
Tìm hiểu từ Batdongsan.com.vn cho thấy, lượng khách quan tâm tìm kiếm về thị trường Củ Chi, Hóc Môn tăng mạnh từ đầu tháng 3, sau những thông tin tích cực về quy hoạch và kêu gọi đầu tư ở đây. Nhưng những ngày gần đây, lượng khách mua đầu tư, mua thực không còn nhiều vì giá đất tăng quá nhanh. Chia sẻ từ một môi giới nhà đất tại Củ Chi, thời điểm đầu tháng 3 có nhiều khách mua đất nhưng đến tháng 4 thì giảm xuống thấy rõ. Khách hỏi thăm thông tin thị trường khá nhiều nhưng để chốt xuống tiền mua đất thực thì không còn sôi động như trước đó, thậm chí khá nhiều khách từng quan tâm hỏi mua cũng quyết định lật kèo. Tuy nhiên giá đất vẫn neo ở mức cao và chưa có dấu hiệu giảm. Vị này thừa nhận, phần nhiều người đi mua đất thời gian gần đây đa số để mua đi bán lại chứ không có nhiều nhu cầu là mua ở thực.

Thị trường BĐS Hóc Môn, Củ Chi vẫn rất giàu tiềm năng nhưng cần thời gian để phát triển trong dài hạn.

Theo kế hoạch xây dựng đề án đầu tư các huyện thành quận giai đoạn 2021-2030 của TP.HCM, huyện Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè sẽ thành quận (hoặc thành phố thuộc thành phố) trước năm 2025; huyện Củ Chi và Cần Giờ thành quận trong giai đoạn 2025-2030. Hóc Môn, Củ Chi những năm qua đã có sự chuyển biển, song so với các khu vực còn lại ở TP.HCM thì hạ tầng giao thông còn yếu, chưa tạo được đột phá cho kinh tế địa phương và thiếu hụt những dự án tầm cỡ, được đầu tư bài bản.
Các chuyên gia nhìn nhận, việc định hướng Củ Chi, Hóc Môn trở thành quận hoặc thành phố trực thuộc TP.HCM, kêu gọi đầu tư là hết sức cần thiết. Đồng thời, việc hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông liên kết vùng sẽ giúp 2 địa phương này phát triển, từ đó kéo theo sự sôi động của thị trường BĐS trong tương lai. Dẫu vậy, để hiện thực hóa quy hoạch này cũng cần có lộ trình nhất định và mất nhiều thời gian. Với thị trường Hóc Môn, Củ Chi, phần lớn các dự án mới chỉ là kêu gọi, chưa có nhà đầu tư nào chính thức tham gia vào, cũng chưa có quy hoạch cụ thể. Như vậy, người mua đất lúc này có thể sẽ gặp rủi ro, nhất là những người đầu cơ, lướt sóng hay dùng tiền vay, mua xong mà không bán được hoặc bị vướng quy hoạch sẽ rất khó khăn.
Vậy nên với nhà đầu tư nhắm đến thị trường này, cần tìm hiểu tính pháp lý đầy đủ của các sản phẩm đầu tư như giấy tờ, sổ đỏ phải hợp pháp. Nếu không xem kỹ giấy tờ, pháp lý thì nguy cơ bị thu hồi hoặc bị hủy các giao dịch là rất cao. Ngoài ra không nên chạy theo đám đông, đầu tư lướt sóng rất dễ rơi vào tình trạng chôn vốn khi thị trường hạ sốt. Với những nhà đầu tư trường vốn thì đây là cơ hội tốt để đầu tư nhằm đón đầu hạ tầng khu đô thị Tây Bắc TP.HCM những năm tới.