Lực cầu BĐS thương mại gia tăng
Sau thời gian chững lại do thiếu hụt nguồn cung và ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nhu cầu giao dịch BĐS thương mại tại TP.HCM đang có dấu hiệu phục hồi, nhất là loại hình nhà phố thương mại.
Báo cáo NCTT cho thấy quý 1/2022, hoạt động kinh doanh cho thuê nhà phố và nhà phố thương mại phục tích cực cùng với sự mở cửa toàn diện nền kinh tế và thúc đẩy du lịch tăng trưởng trở lại của chính phủ. Theo đó, nhu cầu tìm mua và thuê các loại hình BĐS thương mại như nhà phố, nhà phố mặt tiền đường đều tăng trưởng đáng kể. Lượt tìm thuê nhà phố mặt tiền tăng 2%, tìm thuê căn hộ và căn thương mại thuộc khối đế chung cư tăng 19% so với quý trước. Riêng với TP. Hồ Chí Minh, nhu cầu thuê BĐS thương mại tăng 5%, nhất là các mặt bằng thuê tại chung cư ghi nhận tăng 4-5% so với quý trước.
Hoạt động kinh doanh tại các shophouse thương mại đang từng bước phục hồi kéo theo nhu cầu mua phân khúc này tăng trở lại.
Sức cầu thị trường nhà phố và shophouse 3 tháng đầu năm có dấu hiệu phục hồi mạnh. Nguồn cung loại hình này đang tăng tại các thị trường vệ tinh, tuy nhiên riêng với TP. Hồ Chí Minh, dù nhu cầu mua có nhưng nguồn cung sơ cấp vẫn tiếp tục khan hiếm. Tính từ quý 4/2021 đến nay, chỉ có khoảng 200 căn nhà phố thương mại mở bán, giảm 85% so với cùng kỳ. Riêng quý 1/2022, TP.HCM dù có nhiều dự án biệt thự, nhà liền kề chào bán nhưng không có nguồn cung nhà phố thương mại mới nào. Loại hình shophouse khối đế chung cư cũng tiếp tục sụt giảm nguồn cung trầm trọng do ảnh hưởng từ việc lượng dự án căn hộ mới triển khai thấp.
Số liệu từ Sở xây dựng TP.HCM chỉ ra, quý 1 thành phố chỉ có 5 dự án đủ điều kiện huy động vốn bán sản phẩm nhà ở hình thành trong tương lai, với tổng số 1.172 căn hộ, giảm 85%% so với quý trước và 66% so với cùng kỳ. Với sản phẩm nhà phố thương mại, hầu như chỉ có vài dự án cũ chào bán thứ cấp với số lượng ít, không đủ đáp ứng nhu cầu thị trường. Thiếu sản phẩm giao dịch khiến nhà phố thương mại luôn duy trì tỷ lệ hấp thụ trên 90%.
Hiện nay, không chỉ giá sang nhượng thứ cấp tăng, tốc độ tăng giá sơ cấp cũng cao hơn so với các loại hình BĐS khác. Lợi nhuận từ cho thuê shophouse ước định đạt 8-10%/ năm, tiềm năng tăng giá luôn ở ngưỡng 10-30% mỗi năm.
Nguồn cung mới ngày càng hạn chế
Tìm hiểu thực tế, TP.HCM hiện có một vài dự án shophouse mới chuẩn bị ra hàng với số lượng nhỏ giọt. Hầu hết chưa mở bán chính thức nhưng đã được nhà đầu tư cọc chổ trước.
Cụ thể, chủ đầu tư An Gia vừa giới thiệu ra thị trường 12 căn shophouse thuộc khu phực hợp Westgate (Bình Chánh). Theo chủ đầu tư, thị trường khu vực này gần như không có dự án nhà phố thương mại mới triển khai, vậy nên nhu cầu mua mặt bằng kinh doanh ở đây rất lớn. Westgate có lợi thế mặt tiền đại lộ Nguyễn Văn Linh và đại lộ Tân Túc phù hợp làm văn phòng giao dịch, chuỗi siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi… ngoài ra dự án này còn khai thác kinh doanh nhờ tiếp cận hơn 10.000 cư dân sinh sống nội khu và thêm khoảng 4.000 khách hàng bao gồm lực lượng cán bộ công nhân viên làm việc tại khu hành chính Bình Chánh, khách vãng lai và cư dân các khu vực lân cận.
Phân khúc nhà phố thương mại cũng rơi vào thực trạng thiếu nguồn cung sơ cấp trong bối cảnh TP.HCM không có nhiều dự án BĐS mới được triển khai.
Một dự án nhà phố thương mại nữa chào bán khu Tây Nam TP.HCM là D- Aqua của CĐT DHA Corp. Dự án này chào bán 40 căn shophouse với giá chào bán dự kiến từ 8 tỷ đồng. Theo nhà phát triển DHA Corporation, dãy shop mặt tiền đường đang được quan tâm nhiều nhất nhờ thiết kế một bãi để xe rộng thoáng, tiện lợi cho tập quán kinh doanh, mua bán của người Việt, nên không ít khách hàng đang đổ dồn sự quan tâm và chờ đợi nguồn cung giai đoạn mới từ dự án này.
Theo dự kiến, trong 6 tháng cuối năm, thị trường nhà phố thương mại sẽ đón thêm dự án mới. Khu Đông dự kiến có 4 dự án chung cư và 1 dự án nhà liền thổ phát triển nguồn cung nhà phố thương mai. Tuy nhiên số lượng không nhiều và chưa có thời gian mở bán cụ thể. Với khu Tây Nam, trong quý 2 và đầu quý 3 sẽ có thêm 2 dự án chung cư chào hàng các căn shophouse, số lượng tầm 60 căn.
Thiếu hụt nguồn cung là lý do khiến giá bán phân khúc này tiếp tục tăng mạnh., shophouse tại TP.HCM có giá bán trung bình khoảng 150 triệu /m2, cao nhất đạt gần 400 triệu /m2. Giá bán dự kiến có thể sẽ cao hơn do chịu tác động từ nhiều yếu tố vị trí, thuế, phí, chi phí xây dựng… Đáng chú ý, giá bán sơ cấp nhà phố và shophouse quý 1 vừa qua ghi nhận mức tăng 3 – 5% so với giai đoạn trước, mỗi giai đoạn cách nhau 3 – 4 tháng. Tỷ lệ tăng giá thuần của dòng sản phẩm này hiện ở mức 8 -10 % theo năm.
Ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc chi nhánh khu vực phía Nam đánh giá, shophouse luôn được nhiều nhà đầu tư quan tâm nhờ thanh khoản tốt, tỷ suất cho thuê cao cùng số lượng giới hạn, chỉ chiếm 0,5-1% tổng sản phẩm của 1 dự án. Ngoài tính khan hiếm, yếu tố khiến shophouse trở thành kênh đầu tư hiệu quả là sở hữu lợi thế ba trong một, vừa để ở, vừa kinh doanh hoặc cho thuê mà không phải tốn chi phí cải tạo. “Shophouse có tốc độ gia tăng giá trị cao trong các phân khúc hiện nay. Tuy nhiên, để sản phẩm shophouse mang lại giá trị lớn thì dự án phải được mạnh tay đầu tư. Chủ đầu tư cần phải dám hy sinh quỹ đất để tạo ra mặt tiền lớn, giúp shophouse trở thành sản phẩm đắc địa, tạo điều kiện thuận lợi cho kinh doanh”, ông Tuấn nhận định.