Nguồn cung và giao dịch BĐS nghỉ dưỡng tăng mạnh trở lại

Sau 2 năm chịu tác động nặng nề từ dịch Covid-19, từ cuối năm 2021 thị trường du lịch bắt đầu bước vào đà hồi phục mạnh mẽ vào những tháng đầu năm 2022, một số điểm sáng như việc mở cửa lại đường bay quốc tế từ ngày 15/3/2022, chương trình “Hộ chiếu Vaccine” kỳ vọng thu hút lượng lớn khách quốc tế, góp phần thúc đẩy sự hồi phục của du lịch Việt Nam.
Theo số liệu thống kê của DKRA Vietnam, trong quý 1/2022 loại hình bất động sản nghỉ dưỡng chứng kiến sự sôi động trở lại ở một số phân khúc như biệt thự nghỉ dưỡng, nhà phố/shophouse nghỉ dưỡng với nguồn cung và lượng tiêu thụ tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước. Cùng với sự hồi phục kinh tế, khởi sắc du lịch, đây được xem là tiền đề cho sự phục hồi của thị trường BĐS nghỉ dưỡng trong năm 2022 cũng như tạo động lực cho sự tăng trưởng của phân khúc này trong những năm tiếp theo.

Nguồn cung mới gia tăng đang kéo sức tiêu thụ của phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng phục hồi mạnh mẽ.

Tính chung 3 tháng đầu năm 2022, phân khúc biệt thự nghỉ dưỡng ghi nhận 12 dự án mở bán, cung cấp ra thị trường 1.020 căn, bằng 59% so với quý trước nhưng tăng 4% so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ tiêu thụ trên nguồn cung mới đạt 57% (khoảng 579 căn), chỉ bằng 46% so với quý trước và tăng gấp 2,3 lần so với cùng kỳ năm 2021. Nguồn cung và lượng tiêu thụ cũng tăng nhẹ so với cùng kỳ, tập trung chủ yếu các dự án mới. Với loại hình shophouse nghỉ dưỡng, có 13 dự án mở bán trong quý 1 cung cấp ra thị trường 2.768 căn, tăng 4% so với quý trước và gấp 12,4 lần so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ tiêu thụ đạt xấp xỉ 87%, tương đương 2.408 căn, tăng 14,7 lần so với cùng kỳ năm 2021.
Theo DKRA Việt Nam, có sự phân bổ không đồng đều về nguồn cung và sức cầu thị trường giữa các dự án và khu vực, tập trung phần lớn tại một số khu vực phát triển mạnh về nghỉ dưỡng. Thanh Hóa và Hòa Bình trong hai năm gần đây trở thành tâm điểm dẫn dắt thị trường khi liên tục ghi nhận nguồn cung và lượng tiêu thụ đứng đầu cả nước. Loại hình khoáng nóng Onsen được thị trường đón nhận tích cực, các dự án phát triển mô hình Onsen ghi nhận lượng tiêu thụ cao với tỷ lệ trên 80%. Giá bán sơ cấp miền Bắc và miền Nam không có nhiều biến động so với quý trước. Riêng miền Trung ghi nhận tăng từ 10-17% so với quý trước.
Nhiều động lực trợ giúp BĐS nghỉ dưỡng sớm trở lại đường đua
Chia sẻ về các yếu tố thúc đẩy thị trường BĐS nghỉ dưỡng Việt Nam tăng trưởng trở lại, ông Võ Hồng Thắng, Phó Giám đốc R&D DKRA Viet Nam nhận định, từ cuối năm 2021, khi dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, nền kinh tế được mở cửa trở lại, những tín hiệu khởi sắc đã xuất hiện trên thị trường bất động sản. Quý 1/2022 cùng với diễn biến sôi động của loại hình BĐS nhà ở, đà phục hồi của BĐS nghỉ dưỡng trở nên rõ nét hơn. Những nguyên nhân chính tác động đến sự hồi phục của bất động sản nghỉ dưỡng bao gồm:
Thứ nhất: du lịch được khởi động và ghi nhận những bước tăng trưởng đáng chú ý. Từ cuối năm 2021 đến nay, sự tự do di chuyển trong bối cảnh bình thường mới đã giúp thị trường du lịch nội địa nóng trở lại. Đồng thời, việc mở cửa lại đường bay quốc tế từ ngày 15/3/2022, kết hợp với chương trình “Hộ chiếu Vaccine” tiếp tục mang đến cơ hội vàng cho ngành du lịch Việt Nam phục hồi mạnh mẽ. Du lịch phát triển sẽ thúc đẩy thị trường bất động sản nghỉ dưỡng “trở lại đường đua” và có thể “điểm rơi” sẽ bắt đầu từ quý 2/2022.
Thứ hai: việc hoàn thiện sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Đầu tư 2020 và Luật Đất đai 2013 liên quan đến pháp lý của BĐS du lịch sẽ tạo ra tiền đề tích cực cho BĐS nghỉ dưỡng khởi sắc. Dự kiến trong năm nay, Bộ Xây dựng sẽ hoàn thiện khung pháp lý cho loại hình Condotel, Officetel và Shophouse để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của khách hàng. Đây là một trong những nền tảng vững chắc thúc đẩy tốc độ phát triển của Condotel, Officetel,… đồng thời củng cố niềm tin của khách hàng và nhà đầu tư đối với các phân khúc này.

Đèn xanh đã bật cho thị trường BĐS nghỉ dưỡng trở lại đường đua sau 2 năm ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Thứ ba: Du lịch Việt Nam trong 2 năm vừa qua chứng kiến sự gia nhập của nhiều chủ đầu tư có kinh nghiệm và tiềm lực tài chính với những dự án quy mô lớn từ vài trăm đến hàng nghìn hecta. Bên cạnh đó, bất chấp những ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều thương hiệu quản lý – vận hành quốc tế 4 – 6 sao có mặt tại các tâm điểm du lịch góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ lưu trú nhằm tăng cường khả năng thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong thời gian sắp tới. Đa phần các dự án lớn sở hữu hệ sinh thái đa tiện ích và được vận hành bởi các thương hiệu quốc tế sẽ được khách hàng quan tâm nhiều hơn nhờ khả năng đảm bảo dòng tiền khai thác và lợi nhuận kỳ vọng.
Chia sẻ về xu hướng đầu tư BĐS nghỉ dưỡng trong năm 2022,  khu vực phía Nam cho biết, tầm nhìn trong dài hạn, bất động sản nghỉ dưỡng với những tiềm năng phát triển đột phá sẽ trở thành những phân khúc quan trọng và chủ chốt của thị trường. Theo đó, khách mua bất động sản nghỉ dưỡng thường sẽ có tâm lý đầu tư dài hạn hơn là lướt sóng trong ngắn hạn. Không chỉ phụ thuộc vào các thị trường truyền thống, xu hướng đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng sắp tới có thể dịch chuyển đến các thị trường mới, sở hữu tiềm năng về du lịch, lợi thế về quỹ đất, hạ tầng, quy hoạch địa phương và chính sách thu hút đầu tư như Quy Nhơn, Phước Hải, Long Hải.
Song song với những tín hiệu lạc quan về du lịch, tiến độ hoàn thiện thủ tục pháp lý liên tiếp trong những tháng đầu năm 2022, các yếu tố về chính sách và kinh tế vĩ mô của Nhà nước như gói hỗ trợ 350 nghìn tỷ của Chính phủ để kích cầu và hỗ trợ phục hồi nền kinh tế sau dịch, phân bổ ngân sách đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, giao thông, điều chỉnh lãi suất ngân hàng,… đang mở ra nhiều cơ hội mới để các phân khúc BĐS nghỉ dưỡng nói riêng và thị trường nói chung phát triển sôi động trở lại.