Trải qua 4 đợt dịch bệnh Covid-19 liên tiếp, thị trường BĐS dần đi vào ổn định, tuy nhiên sau đợt nghỉ Tết Nguyên đán, TP.HCM, Hà Nội và nhiều tỉnh thành trên cả nước đã xuất hiện tình trạng bùng phát dịch bệnh trở lại. Lượng F0 tiếp tục bùng nổ khiến quá trình mua bán đều phải tạm dừng.

Theo chia sẻ từ nhiều sàn giao dịch BĐS tại TP.HCM và một số tỉnh thành phía Nam, nhiều hoạt động giao dịch đã phải tạm hoãn, bởi số môi giới và nhà đầu tư trở thành F0 liên tục tăng mạnh. Quá trình bán hàng cũng bị ảnh hưởng khi nhiều giao dịch không chốt được do yếu tố sức khỏe, thậm chí một số giao dịch đã chốt xong nhưng người mua chưa thể hoàn thành vì phải cách ly do nhiễm bệnh. Tình hình dịch bệnh phức tạp nên nhiều sàn môi giới phải chuyển sang giới thiệu sản phẩm online và tư vấn qua điện thoại, hẹn từng khách hàng đi xem để đảm bảo sức khỏe.

Nhiều doanh nghiệp BĐS bật chế độ phòng dịch để thích ứng với diễn biến phức tạp của Covid-19

Anh Tú, quản lý một sàn môi giới đang bán dự án đất nền tại Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, khi lượng F0 Covid-19 tăng mạnh, số khách hàng đi xem đất cũng ít hơn so với trước Tết. Nhiều giao dịch phải tạm gác lại do môi giới hay nhà đầu tư bị nhiễm bệnh. Người mua thận trọng hơn khi tham gia các buổi mở bán tập trung, vì vậy tạm thời sàn chỉ đón khách luân phiên và gặp trực tiếp tư vấn thay vì các hoạt động xem đất công khai như trước đây.
Khi số ca nhiễm ngày càng tăng cao, diễn biến dịch phức tạp và khó lường làm xuất hiện lo ngại thị trường BĐS sẽ lại rơi vào thế khó, chịu ảnh hưởng tiêu cực và lặp lại tình trạng “ngủ đông” dài kỳ như năm 2021.
Chia sẻ về nguy cơ này, các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực BĐS đều nhận định, sẽ khó có chuyện thị trường BĐS bị đóng băng hay ngủ đông dù Covid-19 tái bùng phát. Ông Đinh Minh Tuấn, khu vực phía Nam cho biết, sở dĩ thị trường nhà đất năm 2021 bị đình trệ là tác động từ lệnh giãn cách toàn diện của Chính phủ khiến thị trường bị “ngăn sông cách chợ”, bên mua và bên bán không gặp được nhau, giao dịch khó phát sinh. Còn tình hình hiện tại thì diễn biến hoàn toàn khác.
“Tác động từ làn sóng dịch lần này đến tâm lý tiêu dùng không lớn vì miễn dịch cộng đồng đang tốt lên. Việt Nam có kế hoạch mở cửa trở lại từ 15/3, điều này giúp thúc đẩy hoạt động kinh doanh phục hồi. Nhiều chính sách của Chính phủ và ngoại lực đang rất ủng hộ cho sự phục hồi và tăng trưởng của thị trường. Từ vốn đầu tư công tập trung hạ tầng đến dòng tiền từ FDI, việc kiềm chế lạm phát, kiểm soát tín dụng BĐS ổn định cũng giúp thị trường duy trì sức nóng và vững vàng hơn trong thời gian tới”, ông Tuấn cho hay.
Cũng quan điểm trên, ông Phạm Lâm, Phó Chủ tịch Hội môi giới BĐS Việt Nam cho rằng, năm 2022 sức cầu thị trường BĐS sẽ khả quan hơn. Mặc dù thị trường đang đối diện với nhiều thách thức về dịch bệnh và quy định pháp lý, nhưng cũng có thêm nhiều tín hiệu khởi sắc. Doanh nghiệp và người mua nhà đã tôi luyện, sàng lọc qua 3 đợt dịch Covid-19. Những doanh nghiệp thực sự còn đủ tiềm lực sẽ trụ lại và có bước tiến vững chãi hơn. Những chủ đầu tư lớn giữ tâm thế vững vàng trong dịch, mạnh dạn triển khai nhiều kế hoạch tung ra các “siêu dự án” với lượng cung lớn trong năm. Nguồn cung này sẽ giúp giao dịch và sức mua của thị trường tăng nhiệt hơn.

Kịch bản ngăn sông cấm chợ sẽ khó diễn ra khi các biện pháp đảm bảo an toàn mùa dịch vẫn phát huy hiệu quả.

Báo cáo Chỉ số tâm lý người tiêu dùng BĐS thực hiện mới đây cho thấy, 92% trong số hơn 1.000 người Việt Nam tham gia khảo sát bày tỏ có ý định mua nhà, trong đó 67% tìm kiếm BĐS sơ cấp. Đáng chú ý, hơn một nửa trong số này có dự định mua nhà trong vòng 2 năm tới, chủ yếu là những người từ 40 tuổi trở lên.
Thị trường TP.HCM và Hà Nội vẫn chiếm gần 80% nhu cầu tìm kiếm nhà ở, bởi đa số người tiêu dùng hiện nay có ý định mua nhà trong cùng khu vực sinh sống do những hạn chế về đi lại trong điều kiện dịch bệnh. Một phát hiện khác trong báo cáo này là hơn 75% chủ sở hữu BĐS muốn mua thêm một tài sản khác trong khi vẫn giữ BĐS hiện tại.
Trong 2 năm vừa qua, thị trường hình thành một quy luật đáng chú ý là sau mỗi đợt Covid-19, mức độ quan tâm đối với BĐS phục hồi và phát triển mạnh mẽ, phản ánh nhu cầu thị trường luôn rất cao. Số liệu của Batdongsan.com.vn chỉ ra, sau đợt dịch mức độ quan tâm tới BĐS đều tăng, lần 1 tăng 306%, lần 2 tăng 62%, lần 3 mức tăng là 376% và lần thứ 4 là 105%.
Bên cạnh đó, chuyên gia cũng nhận định, bước sang năm 2022, thị trường sẽ khởi sắc. Xung đột thế giới cũng phần nào tạo ra tâm lý lo sợ sẽ xuất hiện đợt lạm phát mạnh sau 10 năm. Sức mua sẽ có suy giảm trong tình trạng lạm phát tăng quá mạnh, ngược lại sẽ rất tốt nếu cân bằng được lạm phát dưới 2 con số. Lúc ấy sức mua BĐS sẽ tăng mạnh. Người dân sẽ có tâm lý tìm kênh trú ẩn như vàng, USD và một phần tích trữ vào BĐS. Thanh khoản của thị trường sẽ tốt lên so với năm 2021.