Cháy phòng dịp Tết nguyên đán

Một khảo sát trong khoảng thời gian từ 17-21/1 tại các homestay, resort nghỉ dưỡng ven đô như Melia Ba Vì Mountain Retreat, Ba Vì Resort, May Tropical Villas (Ba Vì, Hà Nội); Tomodachi Retreat Lang Mit, Glory Resort, Nature Key Retreat Đồng Mô, Little Bee House (Sơn Tây, Hà Nội); Pin Villa, Big Pin, Aden Villa, Rừng Sưa Villa, Nhà Đồi Thông (Sóc Sơn, Hà Nội); Serena Resort Kim Bôi, Ivory Villas & Resort, Mai Châu Hideaway Lake Resort, Bakhan Village Resort (Hòa Bình)… đều trong tình trạng full phòng dịp Tết nguyên đán. Thậm chí, nhiều resort đã được đặt full phòng cho dịp Tết cổ truyền từ đầu tháng 1/2022. Giá các resort 5 sao dao động từ 1,5 triệu đồng – 2,5 triệu đồng/phòng. Một số căn villa 2-3 phòng ngủ có giá từ 3,5 triệu đồng/đêm.

Dịp cận Tết nguyên đán, các resort nghỉ dưỡng ven đô đều ghi nhận tình trạng full phòng

Theo những người chuyên bán tour du lịch ven đô, sau giai đoạn giãn cách, kể từ khi nền kinh từng bước mở cửa lại vào tháng 10/2021, các resort, homestay được phép hoạt động trở lại, thị trường nghỉ dưỡng ven đô dần hồi phục và phát triển mạnh. Một thời gian dài phải ở trong nhà, hạn chế đi lại… đã khiến nhu cầu dịch chuyển, du lịch bùng nổ mạnh hơn bao giờ hết. Từ cuối năm 2021, vào dịp cuối tuần hay tết dương lịch 2022, nhiều resort, homestay luôn ghi nhận tỉ lệ lấp đầy cao, kín phòng. Vào các dịp này, nhiều người phải đặt từ trước đó 2 tuần để có phòng nghỉ dưỡng vào cuối tuần.
Theo chị Vũ Thị Thanh Lương, nhân viên một công ty du lịch tại Hà Nội, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, giá phòng ở các resort, homestay vẫn mềm hơn thời kì hoàng kim của du lịch, bất động sản nghỉ dưỡng từ 10-30%. Các dịp cuối tuần và nghỉ lễ, giá phòng sẽ cao hơn so với các ngày thường nhưng vẫn rẻ so với lúc dịch bệnh chưa bùng phát. Đặc biệt, có những thời điểm, để kích cầu thị trường, giá phòng chỉ bằng 50-70% so với mốc 2019 đổ về trước.

Staycation – ngày càng phát triển mạnh

Staycation – kì nghỉ, hình thức nghỉ dưỡng ở những địa điểm gần nhà, không phải di chuyển xa trên những chuyến bay, chuyến tàu, ô tô đường dài đã nở rộ và trở thành một trào lưu, xu hướng kể từ khi đại dịch Covid-19 xuất hiện. Cũng theo chị Vũ Thị Thanh Lương, trước đây bên chị chuyên bán tour và phục vụ khách hàng tại các địa điểm du lịch ven biển miền Trung, miền Nam thì 2 năm nay, mảng du lịch ven đô chiếm doanh thu lớn nhất, là “cứu cánh” của công ty chị trong mùa dịch.

Staycation đang trở thành một xu thế tất yếu của thị trường

Đồng quan điểm, anh Phạm Nguyễn Thành, nhân viên công ty du lịch có trụ sở tại Hoàn Kiếm (Hà Nội) cho biết các thị trường ven đô đang là trọng tâm phục vụ khách hàng của công ty anh thời gian qua. Anh Thành nhấn mạnh, dịch bệnh khiến việc di chuyển xa gặp nhiều hạn chế do khách hàng lo ngại việc lây nhiễm dịch bệnh khi sử dụng các phương tiện đông người như máy bay, ô tô, tàu hỏa. Các thị trường ven đô với giao thông thuận tiện, khoảng cách gần có thể sử dụng ô tô cá nhân, cảnh quan đẹp và chi phí rẻ trở nên có ưu thế khi dịch bệnh vẫn chưa được kiểm soát hoàn toàn. Anh Thành nhấn mạnh, ban đầu anh và các cộng sự cho rằng nghỉ dưỡng ven đô chỉ là nhất thời, là trào lưu nhưng với thực tế 2 năm qua, khi lượng khách ngày càng đông lên, các resort, homestay ven đô luôn đông khách, anh thực sự cho rằng dịch bệnh đã tạo nên những thói quen, quan niệm mới gắn với một xu hướng du lịch có tính chất phát triển bền vững của thị trường.
Cùng với sự nở rộ của trào lưu du lịch staycation, bất động sản nghỉ dưỡng ven đô cũng nở rộ thời gian qua với sự ra mắt, mở bán của nhiều dự án, đặc biệt là tại các thị trường giáp ranh Hà Nội như Hòa Bình, Vĩnh Phúc… Rất nhiều dự án cũng đưa ra mức cam kết lợi nhuận hấp dẫn như cam kết condotel một thời “làm mưa làm gió” tại các thị trường nghỉ dưỡng biển. Tuy nhiên, theo chuyên gia, một số condotel đổ vỡ về cam kết lợi nhuận trước đó cần được nhà đầu tư nhìn nhận như một bài học nghiêm túc về pháp lý, vận hành… để đưa ra quyết định cuối cùng trước khi xuống tiền với các villa, condotel, resort ven đô.