Giá căn hộ thứ cấp chênh lệch thấp

Cuối năm là thời điểm nhiều dự án căn hộ chuẩn bị bàn giao và được chào bán nhộn nhịp trên thị trường sang nhượng thứ cấp. Do ảnh hưởng từ suy giảm kinh tế chung vì dịch bệnh nên năm nay hoạt động mua bán tại nhiều dự án có phần kém sôi động và mức giá chênh thứ cấp không được như kỳ vọng của nhiều nhà đầu tư.
Trao đổi anh Trần Mạnh Tuấn vừa nhận bàn giao một căn hộ chung cư tại TP. Dĩ An (giáp ranh TP. Thủ Đức), cho biết hơn 1 tháng từ khi có thông báo đóng tiền nhận nhà, trên các group cư dân xuất hiện rất nhiều thông tin rao bán và sang nhượng với đa dạng tầm giá. Năm nay do tình hình kinh tế khó khăn, dịch bệnh ảnh hưởng đến giao dịch và thu nhập nên dù dự án hoàn công và bàn giao nhưng giá bán tăng không nhiều. Nhiều nhà đầu tư đến kỳ thanh toán chịu áp lực tài chính lớn phải chấp nhận bán tháo, ra hàng nhanh còn người mua vẫn ngần ngại tình hình thị trường năm tới, chưa dám mạnh tay bỏ ra tài chính lớn để mua nhà khiến lượng thanh khoản không mạnh như kỳ vọng. Điều này làm mức giá sang nhượng chênh lệch thấp. Không ít căn rao bán giá chênh chỉ tầm 20-30 triệu đồng/căn, thậm chí bán giá gốc so với giá mua vào đợt đầu khiến mặt bằng chung bị kéo thấp, ảnh hưởng đến giá bán toàn dự án.

Dịch bệnh khiến giá căn hộ trên thị trường thứ cấp không tăng như kỳ vọng của nhà đầu tư. Ảnh minh họa

“Căn hộ 2 PN vị trí góc của tôi hiện nhận được nhiều đề nghị mua lại từ các sale nhưng tầm giá chênh cũng chỉ vào khoảng 60-70 triệu đồng/căn. Nhiều căn vị trí thông thường còn rao bán chênh 20-30 triệu đồng/căn để chạy hàng gấp làm ảnh hưởng đến thanh khoản chung của cả dự án. Điều này tương đối lạ trên thị trường vì thông thường, một dự án từ khi triển khai đến khi bàn giao, giá tăng thấp nhất cũng phải từ 8-10%. Tuy nhiên đưa vào bối cảnh dịch bệnh hiện còn phức tạp, không ngạc nhiêu nếu nhiều người dù có nhu cầu vẫn tạm thời chưa vội mua nhà”, anh Tuấn cho hay.
Tương tự, cũng chuẩn bị nhận bàn giao nhà tại dự án căn hộ trung cấp trên địa bàn TP. Thủ Đức, anh Tiến Anh cho biết, hoạt động sang nhượng thứ cấp rất sôi động nhưng tầm giá bán ra thành công chủ yếu chênh chỉ tầm 5%. Với tình hình khó khăn, khi dự án bàn giao sẽ không có giá tăng tốt như kỳ vọng nhưng với mức giá chênh thấp nhà đầu tư này phải tính toán lại việc sang nhượng. Được biết thời điểm dự án mới triển khai cuối năm 2019, anh đặt mua 2 căn, đến khoảng giữa năm 2020 do khó khăn nên anh nhượng lại 1 căn với giá chênh 60 triệu đồng. Hiện tại khi dự án bàn giao, căn hộ còn lại của anh cũng được hỏi mua lại với giá chênh 80 triệu đồng, tính ra từ khi đang xây dựng đến khi đã bàn giao nhà mà hầu như giá không thay đổi.
Cơ hội cho người không chịu áp lực tài chính
Nếu thông thường, khi chuẩn bị bước vào giai đoạn bàn giao là thời điểm các dự án BĐS có giá tăng mạnh nhất thì năm nay, nhiều dự án tại TP.HCM xuất hiện tình trạng giá tăng chậm và thấp hơn so với kỳ vọng. Xét vào thời điểm 2018-2020, biên độ tăng giá trung bình của một dự án từ lúc mới triển khai đến khi bàn giao phải tăng ít nhất 10-15% thì hiện nay, nhiều căn hộ sang nhượng với mức chênh 5-6% so với giá gốc. Mức chênh này quá thấp khiến nhiều nhà đầu tư không muốn ra hàng.
Anh Phan Huy, một nhà đầu tư cho biết, dự án anh đang mua cũng có tình trạng giá bán thứ cấp tăng không như kỳ vọng. Nguyên nhân chủ yếu đến từ việc nhiều nhà đầu tư chịu áp lực tài chính lớn chấp nhận bán giá gốc hay không lời để ra hàng nhanh. Nếu không “kẹt cứng” thì rất ít chủ nhà chịu sang nhượng lại với tầm giá thấp. “Do chưa có kế hoạch đầu tư mới, cũng không chịu áp lực vay vốn ngân hàng nên tôi chờ thị trường năm sau. Dự án đã hoàn thiện bàn giao, pháp lý sạch, chuẩn bị ra sổ, vị trí đẹp nên khi thị trường ổn định hơn giá có khi sẽ tăng cao”, anh Tuấn chia sẻ.

Áp lực từ chi phí phát triển gia tăng sẽ khiến giá nhà khó giảm trong các năm tới.

Cùng quan điểm trên, một nhà đầu tư tại TP.HCM cho biết, anh chấp nhận chịu thêm gánh nặng tài chính chứ không nóng vội ra hàng khi thị trường không “được giá”. Nhà đầu tư này tin tưởng năm tới giá nhà sẽ vẫn tăng do chi phí xây dựng cao, quỹ đất hạn chế và nhu cầu nhà ở không giảm. Bản thân dự án đã hoàn thiện, có thể vào ở ngay nên sẽ hút được người mua ở thực. Tuy nhiên bản thân anh cũng không đặt kỳ vọng giá sẽ tăng cao mà chỉ cần ở tầm vừa phải để không thua lỗ.
Theo dự báo từ các chuyên gia, thị trường BĐS 2022 sẽ là một năm tăng trưởng tốt, đặc biệt giá nhà tại TP.HCM và các tỉnh lân cận nhiều khả năng tiếp đà tăng do các chi phí đầu vào như quỹ đất, pháp lý, xây dựng, lãi vay… đều đội lên từ năm 2021. Bên cạnh đó, các dự báo quan ngại về nguy cơ lạm phát tăng trong những năm tới cũng khiến cho giá BĐS bị ảnh hưởng từ tâm lý đội giá. Thanh khoản có thể tăng trưởng nhưng sẽ tập trung vào các dự án có hạ tầng tốt, pháp lý đầy đủ, vị trí thuận lợi. Với hoạt động đầu tư lướt sóng, 2022 sẽ là năm rất khó thắng vì thị trường đang triệt tiêu các cơ hội mua nhanh bán nhanh. Riêng với nhà đầu tư dài hạn, cần tính toán lộ trình tài chính hợp lý để tránh tình trạng áp lực lớn từ đòn bẩy. Nhà đầu tư có thể giữ kỳ vọng tăng giá tốt vào bất động sản nhưng khó có chuyện giá sẽ tăng cao đột biến như các năm trước đó.

Phương Uyên