Những con số ấn tượng

Theo tiến sĩ Võ Trí Thành, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, một đóng góp lớn của đề tài khoa học: “Bất động sản trong nền kinh tế Việt Nam – Vai trò và khuyến nghị chính sách” là đã lượng hóa được vai trò của bất động sản trong nền kinh tế Việt Nam trên nhiều phương diện. Trên nền tảng kết quả nghiên cứu, đề tài đưa ra những ưu tiên chính sách cần triển khai, nhằm góp phần thúc đẩy sự phát triển lành mạnh, bền vững của thị trường bất động sản Việt Nam.
Cụ thể, đề tài lượng hóa sự đóng góp vào phát triển kinh tế và gia tăng tài sản quốc gia. Theo đó, đóng góp của thị trường bất động sản trong GDP năm 2019 là 7,62%, cao hơn mức Tổng cục Thống kê công bố là 4,51%. Có thể thấy, chưa kể đến bất động sản gián tiếp trong ngành xây dựng thì phần trăm đóng góp của bất động sản cũng khoảng 10,49% GDP (năm 2019). Nếu tính thêm nhân tố vốn là đất, đóng góp của bất động sản chiếm tới 13,6% GDP. Có thể ước tính tỷ trọng bất động sản đóng góp vào tổng giá trị tăng thêm của khu vực doanh nghiệp giai đoạn 2016-2020 khoảng 14,88%. Những con số này cho thấy 2 vấn đề, một là định giá bất động sản và hai là luồng tiền giữa ngân hàng và bất động sản chính là huyết mạch của nền kinh tế.
Đề tài cũng lượng hóa sự đóng góp của bất động sản thông qua khả năng lan tỏa đến trên 40 ngành kinh tế quan trọng khác của nền kinh tế, nhất là những ngành liên quan trực tiếp như xây dựng, công nghiệp chế biến chế tạo, du lịch, lưu trú – ăn uống và tài chính – ngân hàng. Khi ngành bất động sản tăng trưởng không chỉ có lợi cho chính nó mà còn tạo ra hiệu ứng lan tỏa tới nền kinh tế quốc gia. Trường hợp giá trị sản xuất của nhóm ngành bất động sản thay đổi giảm 10%: GDP sẽ giảm 1,247%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chịu ảnh hưởng mạnh nhất, giảm tới 0,861%, tiếp theo đó là các ngành: Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản (giảm 0,366%); Du lịch (giảm 0,352%); Dịch vụ khác (giảm 0,348%); ngành chịu ảnh hưởng giảm thấp nhất là Công nghiệp khai thác (giảm 0,210%)…

Tiến sĩ Võ Trí Thành phát biểu tại hội thảoTiến sĩ Võ Trí Thành, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia

Đề tài cũng đã lượng hóa quy mô tài sản bất động sản của Việt Nam giai đoạn 2020 – 2030. Theo đó, năm 2020, tỷ trọng bất động sản / tổng tài sản toàn nền kinh tế chiếm 20,8% (205,26 tỷ USD / 986,82 tỷ USD); năm 2025 là 21,2% (462,7 tỷ USD /2183,09 tỷ USD) và đến năm 2030 là 22,0% (1232,29 tỷ USD / 5601,31 tỷ USD). Về dự báo giá trị tăng thêm của các ngành bất động sản giai đoạn 2020, 2025 và 2030: năm 2020, giá trị tăng thêm của các ngành bất động sản ước đạt 484,9 nghìn tỷ đồng (20,89 tỷ USD), chiếm 7,70 % GDP; năm 2025 ước đạt 1.249,8 nghìn tỷ đồng (53,84 tỷ USD), chiếm 9,72%GDP; năm 2030 ước đạt 3.428,7 nghìn tỷ đồng (147,71 tỷ USD), chiếm 13,6% GDP.
Theo GS.TS. Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân thì vai trò của bất động sản đối với nền kinh tế đã được đề cập nhiều nhưng để lượng hóa được cụ thể thì chưa có kết luận, các chỉ số đã có đều rất rời rạc. Thế nhưng đề tài nghiên cứu đã làm rất tốt công việc này với những con số cụ thể.

Bất động sản – vai trò của một thị trường nền tảng

Theo Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính – tiền tệ Quốc gia, đề tài cho thấy vai trò quan trọng của thị trường bất động sản là vai trò thị trường nền tảng. Thị trường này đóng vai trò quan trọng trong việc tạo tiền đề cũng như sự chi phối đối với thị trường, lĩnh vực khác. Nền kinh tế của một quốc gia cần đến những thị trường nền tảng để thúc đẩy sự phát triển. Ngoài bất động sản thì thị trường nền tảng thứ hai có thể kể đến là vận tải thương mại và vận tải cá nhân.

hình ảnh tiến sĩ Lê Xuân NghĩaTiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính – tiền tệ Quốc gia

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam nhấn mạnh thị trường bất động sản có vai trò quan trọng bậc nhất đối với nền kinh tế của mỗi quốc gia. Tại các nước phát triển, định hướng và yêu cầu khơi thông những nguồn lực tiềm năng và bền vững của thị trường bất động sản là một ưu tiên chính sách. Chính vì thế, tỷ trọng bất động sản trong tổng số của cải xã hội ở các nước phát triển thường chiếm ít nhất trên 35% tổng tài sản vật chất của mỗi nước. Các hoạt động trên thị trường bất động sản chiếm gần 30% tổng hoạt động của nền kinh tế.
Ông Hà cũng cho biết sau buổi tọa đàm công bố đề tài, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam sẽ gửi kiến nghị kèm toàn văn báo cáo kết quả nghiên cứu đến Chính phủ, Ban Kinh tế Trung ương, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên Môi trường và các cơ quan có liên quan, nhằm cung cấp tư liệu, thông tin, góc nhìn khoa học cho việc xây dựng chiến lược quốc gia tầm nhìn dài hạn và có chính sách cụ thể được thể chế hóa nhằm thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển minh bạch, lành mạnh và ổn định dài hạn.

Thúy An