Trong bối cảnh đại dịch, phần lớn các phân khúc của thị trường bất động sản đều sụt giảm thì bất động sản công nghiệp vẫn ghi nhận những biến chuyển tích cực. Thương chiến Mỹ – Trung, kế đó là đại dịch Covid-19 đã làm chuỗi cung ứng của Trung Quốc đứt gãy. Việt Nam với lợi thế giáp Trung Quốc được coi là một trong những quốc gia sẽ hưởng lợi nhiều nhất khi các doanh nghiệp tìm cách đa dạng hoá chuỗi cung ứng.

Trên thực tế, chiến tranh thương mại Mỹ – Trung và kế đó là đại dịch chỉ là những chất xúc tác. Bất động sản khu công nghiệp Việt Nam nói riêng và miền Bắc nói chung đã đón làn sóng FDI mạnh mẽ từ những năm trước đó. Những năm đầu sau đổi mới, tức những năm 90 của thế kỉ trước, bất động sản miền Nam với các điểm nóng như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai… là điểm dừng chân của các nhà đầu tư nước ngoài. Sức hút của các tỉnh thành này là do tính chất năng động và cởi mở hơn so với thị trường miền Bắc. Thế nhưng, khoảng 10 năm trở lại đây, nỗ lực cải thiện hạ tầng và chính sách ưu đãi ở miền Bắc khiến cán cân FDI trở nên ngang bằng, có thời điểm lệch hẳn về phía Bắc.

Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam (FDI) tính đến ngày 20/11 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 26,4 tỉ USD. Đáng chú ý, các tỉnh, thành phố phía Bắc như Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Hà Nam… đều có kết quả thu hút vốn đầu tư ấn tượng dù đại dịch Covid-19 phức tạp.

Đơn cử từ đầu năm đến nay, Hải Phòng có 68 dự án cấp mới với tổng vốn đầu tư hơn 1,02 tỉ USD và 38 dự án điều chỉnh tăng vốn với số vốn tăng trên 365 triệu USD. 11 tháng đầu năm, tỉnh Vĩnh Phúc thu hút được 20 dự án vốn đầu tư FDI mới với tổng số vốn hơn 213 triệu USD; 35 lượt tăng vốn đầu tư với tổng số vốn tăng thêm là 189,56 triệu USD. Bắc Giang cũng đã thu hút được 29 dự án FDI, với tổng số vốn đăng ký hơn 334 triệu USD, có 58 dự án đăng ký bổ sung vốn với số tăng thêm là hơn 533 triệu USD…

hình ảnh khu công nghiệpBất động sản công nghiệp miền Bắc đang tăng trưởng mạnh những năm qua

Theo ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, sức hút của bất động sản công nghiệp Việt Nam nói chung và miền Bắc nói riêng đến từ nhiều nguyên nhân: vị trí địa lý thuận lợi, môi trường đầu tư ngày càng được đổi mới và hoàn thiện, giá nhân công rẻ và việc gia nhập vào nhiều hiệp định thương mại tự do đã tạo hành lang thông thoáng cho phân khúc này phát triển.
Một khảo sát của Batdongsan.com.vn cũng cho thấy giá bất động sản các khu công nghiệp phía Bắc đang có sự tăng trưởng đáng kể trong một năm qua. Tại Bắc Giang, so với cùng kì năm ngoái, giá thuê trung bình nhà xưởng, kho bãi khu công nghiệp Quang Châu đã tăng từ mức 50-55 ngàn đồng/m2/tháng lên mức 55-60 ngàn đồng/m2/tháng. Những vị trí đẹp đắc địa giá cũng tăng từ 70-78 ngàn đồng/m2 lên mức 75-85 ngàn đồng/m2/tháng. Tại khu công nghiệp Song Khê, giá tăng từ 57-60 ngàn đồng/m2/tháng lên mức 62-67 ngàn đồng/m2/tháng.
Tại Thái Nguyên, so với tháng 10/2019, kho, xưởng vị trí đẹp khu công nghiệp Yên Bình (Thái Nguyên), giá tăng từ 60-63 ngàn đồng/m2/tháng lên mức 64-70 ngàn đồng/m2/tháng. Giá thuê kho, xưởng khu công nghiệp Điềm Thụy cũng tăng từ mức 57-60 ngàn đồng/m2/tháng lên mức 63-65 ngàn đồng/m2/tháng. Giá thuê khu công nghiệp Sông Công cũng dao động từ mức 55-60 ngàn đồng/m2/tháng lên mức 60-65 ngàn đồng/m2/tháng.
Tại Hải Dương, giá thuê trung bình kho, xưởng khu công nghiệp Ba Hàng, Phú Thái, tăng trung bình từ mức 40-45 ngàn đồng/m2/tháng lên mức 45-50 ngàn đồng/m2/tháng. Giá thuê khu công nghiệp An Phát dao động 60-65 ngàn đồng/m2/tháng, tăng khoảng 10% so với mức giá 55-60 ngàn đồng/m2/tháng vào cùng kì năm trước. Đất khu công nghiệp Đại An tăng từ 60-63 ngàn đồng/m2/tháng lên mức 63-68 ngàn đồng/m2/tháng.
Bà Nguyễn Hồng Vân, Giám đốc Thị trường Hà Nội của JLL Việt Nam nhận định, trong tương lai, cơ hội phát triển bất động sản khu công nghiệp phía Bắc còn rất dồi dào. Bởi lẽ quỹ đất khu vực còn nhiều, giá trung bình cạnh tranh so với khu vực phía Nam. Phía Bắc cũng sở hữu vị trí chiến lược, giao thông thuận tiện, cơ sở hạ tầng phát triển đồng bộ. Ngoài ra, tiềm năng phát triển thị trường kho vận Logistics của miền Bắc cũng rất lớn.

Duy Bách