Nhận bàn giao một căn hộ 68m2 trên khu vực đường Liên Phường, quận 9 sau 3 năm đặt mua, bà Đỗ Thị Hoa cho biết đang cân nhắc việc rao bán lại do thấy lợi nhuận từ rao bán thứ cấp chung cư này đang cao. Được biết đầu năm 2018 bà Hoa mua căn hộ này với giá hơn 1,5 tỷ đồng, theo nhân viên môi giới tư vấn, nếu muốn bán ra nhanh bà có thể rao giá tầm 2-2,2 tỷ đồng, còn nếu không cần ra hàng gấp, trong năm sau có thể rao bán với giá 2,4 tỷ đồng. Như vậy chỉ sau vỏn vẹn có 4 năm, căn hộ 2 phòng của bà đã có mức tăng đến 900 triệu và vẫn được thị trường hấp thụ.
Nhiều khách hàng trúng đậm nhờ giá căn hộ tăng mạnh trên thị trường thứ cấp. Ảnh minh họa
Chị Ngọc Dung, một khách hàng mua căn hộ Bcons Suối Tiên, quận 9 chis sẻ, chị mua nhà ngay thời điểm dự án mới được triển khai vào năm 2018 với giá 19 triệu/m2. Cuối 2019, khi dự án hoàn thành, chị nhận bàn giao từ chủ đầu tư và rao bán lại với mức giá 32 triệu/m2, tăng gần 50%. Xu hướng tăng giá của căn hộ này chưa dừng lại khi tháng 11/2020 vừa qua, CĐT hoàn thiện cấp sổ hồng cho dự án, giá bán lại tiếp tục nhích lên mức 33-34 triệu/m2.
Tương tự với Bcons Suối Tiên, loạt dự án chung cư đã triển khai trên địa bàn quận 9, Thủ Đức và quận 2 cùng nhau ghi nhận tốc độ tăng giá chóng mặt chỉ sau vài năm hoàn thiện. Nhiều dự án tại khu vực quận 9 có giá bán tăng gần 80%. Trước năm 2014, mặt bằng giá căn hộ tại quận 9 chỉ dao động khoảng 16-19 triệu đồng/m2. Đến thời điểm hiện tại đang được giao dịch từ 34-55 triệu đồng/m2, tương đương với một số chung cư trong khu vực trung tâm.
Cụ thể, dự án Jamila Khang Điền ở phường Bình Trưng Đông mở bán năm 2017 giá khoảng 23-27 triệu/m2 nhưng đến tháng 10/2020 đã tăng lên mức 33-40 triệu/m2. Căn hộ Vinhomes Grand Park quận 9 dù mới mở bán từ tháng 6/2019 với giá khoảng 33-38 triệu/m2 nhưng hiện nay đã tăng lên đến 48 triệu/m2. Dự án Centum Wealth của TDH thời điểm mới ra mắt vào tháng 12/2017 có giá mở bán khoảng 24 triệu đồng/m2, đến nay đã vọt lên mức giá giao dịch 36-44 triệu/m2. Căn hộ 9 View của Hưng Thịnh Land có mức tăng gấp đôi, từ khoảng 16-20 triệu/m2 quý 1/2017 lên mức giá 32-40 triệu/m2 vào quý 3/2020.
Không chỉ riêng thị trường khu Đông, nhiều dự án chung cư khu vực phía Tây, Nam cũng có xu hướng tăng giá thứ cấp. Dự án chung cư The Parkland tại phường Hiệp Thành, quận 12 triển khai vào năm 2017 với giá rao bán sơ cấp vào khoảng 16-20 triệu/m2, tuy nhiên sau khi dự án vừa bàn giao đầu năm 2019 có giá bán hiện vào khoảng 28-30 triệu/m2. Được biết, ở giai đoạn cất nóc trước đó, giá căn hộ này chỉ vào khoảng 24 triệu/m2. Mức tăng kinh khủng như trên diễn ra trong năm 2020 khi nguồn cung khu vực này bị hạn chế và giá bán các dự án đang triển khai trên cùng khu vực leo thang. Một dự án khác triển khai trên đường Phan Văn Hớn, quận 12 là Topaz Home, năm 2017 căn hộ 43m2 tại đây có giá chỉ khoảng 600 triệu/căn, hiện chào bán thứ cấp ở mức 1,3 tỷ đồng/căn, gần như tăng gấp đôi chỉ sau 4 năm.
Xu hướng tăng giá thứ cấp được nhận định là do chịu ảnh hưởng từ việc thị trường đang thiết lập một mặt bằng giá bán sơ cấp mới, liên tục tăng dần qua các năm khiến những dự án trên cùng khu vực ăn theo mức giá mới này, tăng vượt bậc. Nếu tính từ thời điểm 2017 đến nay, thị trường TP.HCM đã trải qua ít nhất 3 lần biến động giá mạnh. Loại hình căn hộ bình dân giá dưới 20 triệu gần như biến mất, phân khúc trung cấp với mức giá từ 20-25 triệu được điều chỉnh lên khoảng giá thấp nhất là 35 triệu/m2, giá bán trung bình toàn thị trường vào khoảng 45 triệu/m2. Báo cáo mới nhất của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARs) cho thấy, giá bán phân khúc chung cư tại TP.HCM ghi nhận mức giá tăng mạnh từ 15-20% trong năm 2020.
Sự khan hiếm nguồn cung đang khiến mặt bằng giá căn hộ tại TP.HCM tăng mạnh, tác động lên giá nhà thứ cấp. Ảnh minh họa
Lý giải tình trạng giá nhà ở tăng cao, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch kiêm VARs cho biết, do khan hiếm nguồn hàng trong bối cảnh lượng cầu rất cao dẫn đến giá tăng vọt và tỉ lệ hấp thụ ở mức cao. Theo vị chuyên gia này, trong khoảng hai năm trở lại đây, TP.HCM gần như không có dự án mới được phê duyệt. Trong giai đoạn 2018-2020, thị trường BĐS bị sụt giảm rất lớn cả về quy mô, về số lượng dự án, số lượng sản phẩm nhà ở đưa ra thị trường.
Theo nhận định của Bộ Xây dựng, giới đầu cơ BĐS vẫn hoạt động công khai, lợi dụng các yếu tố xã hội như chuẩn bị quy hoạch đô thị, chuẩn bị xây dựng các công trình hạ tầng, mở rộng đô thị,… để đẩy giá lên cao, làm bất ổn thị trường. Ngoài ra, Bộ Xây dựng cho rằng, giá cả hàng hóa BĐS, nhất là giá nhà ở chưa ổn định, không phản ánh đúng giá trị thực của BĐS, cũng như không phù hợp với khả năng chi trả của số đông người dân. Cách đánh giá chung hiện nay giá nhà ở là hợp lí nếu lợi nhuận cho thuê đạt xấp xỉ lãi suất tiền gửi ngân hàng. Các khảo sát cho thấy, tỉ suất sinh lợi từ việc đầu tư căn hộ cho thuê bình quân giao động vào khoảng 2%-5%/năm trong những năm gần đây, thấp hơn lãi tiền gửi tiết kiệm.
Phương Uyên