Đang rao bán sản phẩm đất nền dự án tại khu vực Bảo Lộc, Lâm Đồng, anh Đ.H.Thắng cho biết dù thúc đẩy môi giới gọi điện tư vấn từ đầu năm nhưng cho đến hiện tại, dự án 200 nền đất của anh vẫn chỉ mới bán được chưa đến 50%. Anh Thắng cho biết, do dự án này nằm trong khu vực có hệ thống đường giao thông tương lai chạy qua, diện tích lô đất nhỏ và giá thành chỉ dao động từ 550 triệu đến 1 tỷ đồng/nền nên thuộc diện dễ tìm khách. Thực tế cũng cho thấy, đây là một trong số ít các dự án triển khai có sức mua tốt trong khu vực.
Không “tốt số” như anh Thắng, một công ty địa ốc nhỏ đang rao bán đất tại khu vực Bà Rịa – Vũng Tàu chia sẻ, dù dự án chỉ có khoảng 36 nền đất với giá bán 600 triệu – 900 triệu/nền diện tích từ 150-200m2 nhưng đã bán gần 6 tháng nay chỉ mới được 7 nền đất. Đây là đất đã có sổ đỏ hoàn thiện, sang tên công chứng ngay và nằm trong khu vực dân cư hiện hữu nhưng vẫn bán rất chậm do sức mua yếu. “Dù bán gần như ngang giá với đất tự do người dân rao bán cùng khu vực, lại hỗ trợ vay và làm thủ tục nhưng sức mua rất yếu”, đại diện doanh nghiệp cho hay.
Giao dịch đất nền tiếp tục xu hướng giảm trong các quý gần đây do nhu cầu mua thấp và giá bán neo cao. Ảnh minh họa
Tình hình không hề khá khẩm hơn với khu vực TP.HCM. Theo nhìn nhận từ ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc Thị trường DKRA Việt Nam, phân khúc đất nền TP.HCM 3 tháng gần đây liên tiếp không có dự án mở bán mới, nguồn cung chủ yếu đến từ các dự án mở bán trước đó. Giao dịch thứ cấp có mức thanh khoản thấp. Giá bán một số khu vực có dấu hiệu giảm do nhiều nhà đầu tư bị áp lực về dòng tiền trong tình hình kinh tế khó khăn như hiện nay. Các thị trường giáp ranh TP.HCM ghi nhận 18 dự án đất nền mở bán, với gần 3.000 sản phẩm nhưng tỷ lệ tiêu thụ chưa đến 32%, mức khá thấp và giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2019.
Thị trường BĐS đã trải qua 9 tháng, tương đương với 3 quý hoạt động nhưng doanh nghiệp thực chất cũng chỉ có chưa đến 3 tháng để tiến hành bán hàng. Dân địa phương thì không mặn mà với đất dự án, nhà đầu tư tiềm năng ở TP.HCM và các tỉnh lân cận lại đang quay lưng với đất nền. Điều này khiến phân khúc từng được xem là kênh đầu tư vua giờ chỉ như ông hoàng không còn tại vị.
Dữ liệu lớn (big data) cũng cho thấy, sức nóng đất nền giảm nhiệt khiến không chỉ lượng tin rao ngày càng ít mà nhu cầu tìm kiếm sản phẩm này tại hầu hết các địa phương phía Nam đang giảm thấy rõ qua các quý.
Cụ thể, trong tháng 7/2020 lượng tin rao chào bán đất nền, đất thổ cư tại TP.HCM giảm khoảng 2%, nhu cầu tìm mua giảm đến gần 8-10% so với quý 2/2020. Tình hình ảm đạm tiếp tục kéo dài đến tháng 8 khi tổng lượng tin đăng bán đất nền cả nước tiếp tục giảm xuống hơn 14% so với tháng trước đó, nhu cầu tìm mua loại hình này cũng giảm xuống thêm 11%. Tại TP.HCM, lượng tin đăng bán đất nền giảm thêm 19% trong khi mức độ quan tâm của khách hàng dành cho phân khúc này chưa có dấu hiệu cải thiện, bất chấp nhu cầu tìm mua ở tất cả các phân khúc nhà đất khác đều ghi nhận xu hướng tăng trong tháng vừa qua.
Covid-19 khiến giá chào bán đất nền có xu hướng giảm, tuy nhiên mức giá này vẫn được nhận định là còn khá cao so với sức mua của thị trường. Ảnh minh họa
Tình trạng tương tự cũng đang diễn ra tại các thị trường lân cận là Đồng Nai, Bình Dương và Bà Rịa-Vũng Tàu. Mức độ quan tâm nhà đất tại các địa phương này có xu hướng giảm từ 2-7% so với tháng trước đó.
Dù nguồn cung mới vẫn âm thầm đổ vào thị trường, giao dịch mua bán đất nền tại TP.HCM và các tỉnh lân cận vẫn ảm đạm. Lượng người mua ngày càng ít và giá đất đứng im, thậm chí giảm mạnh so với thời điểm đầu năm. Nguyên nhân do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, các nhà đầu tư ưu tiên việc giữ tiền mặt hoặc tâm lý chờ đợi, chưa thực sự mạnh dạn chuyển tiền vào bất động sản. Bên cạnh đó, việc giá đất neo ở mức cao cũng khiến loại hình này giảm sức hút với giới đầu tư.
Cơn sốt nhà đất tại các khu vực vùng ven trung tâm TP.HCM cách đây chừng 2 năm đã đẩy giá đất nền ở khu vực này tăng phi mã. Mức tăng trung bình của đất nền trong 3 năm qua vào khoảng từ 40-60%. Dù đầu năm 2020, giá đất nền vùng ven bắt đầu có xu hướng chững lại sau khi lập đỉnh, Covid-19 xuất hiện cũng khiến giá bắt đầu giảm khoảng 5-10% tùy từng khu vực nhưng mức giảm này không đáng kể so với tốc độ tăng giá trong thời gian qua. Vì vậy xu hướng giao dịch vẫn chưa cải thiện chủ yếu vì giá cao.
Thị trường đất nền được nhìn nhận sẽ còn tiếp tục khó khăn trong các quý cuối năm khi dòng tiền 2020 không còn dư dả như những năm trước. Bên cạnh tâm lý e ngại của nhà đầu tư vẫn bao trùm thị trường, việc thiếu các sản phẩm có sức nóng, giá cao và nhập nhằng pháp lý cũng là yếu tố khiến phân khúc này mất điểm trong mắt giới đầu tư và người mua ở thực.