Những năm gần đây, giới trẻ châu Á có xu hướng lựa chọn mô hình nhà ở chia sẻ không gian, tiện ích chung (co-living) vì sự tiện lợi, tiết kiệm chi phí, phù hợp với nhu cầu và phong cách sống. Khi sống chung theo mô hình này, nhiều người sẽ chia sẻ các không gian, tiện ích chung như phòng khách, bếp, điều hòa, tủ lạnh,… và có phòng ngủ riêng tư, độc lập dù diện tích phòng có thể rất nhỏ. Tất cả các hóa đơn hay chi phí phát sinh cho không gian dùng chung đều được người ở chia sẻ với nhau rất sòng phẳng.
Năm ngoái, một nghiên cứu do Knight Frank thực hiện đã xếp Hồng Kông ở vị trí thứ 4 và Singapore thứ 9 trong số 20 thành phố châu Á – Thái Bình Dương có tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ nhất ở phân khúc co-living. Năm nay, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 phủ bóng đen lên nền kinh tế toàn cầu, hai thị trường bất động sản Hồng Kông và Singapore cũng phải vật lộn với vô số khó khăn. Tuy nhiên, giữa bức tranh ảm đạm của thị trường, co-living nổi lên như một điểm sáng hứa hẹn nhiều tiềm năng. Các nhà phân tích thị trường và đơn vị kinh doanh cho thuê co-living cho biết cả hai thị trường đều “hoạt động tốt” và “tương đối thành công” với mô hình này, đạt tỷ lệ lấp đầy từ 80-90% ở Hồng Kông và hơn 90% ở Singapore vào tháng 7 vừa qua, bất chấp đại dịch đã “nghiền nát” nền kinh tế toàn cầu, gây ra cảnh thất nghiệp trên quy mô lớn.
Trong một ngôi nhà co-living, những người thuê sẽ có phòng ngủ riêng nhưng chia sẻ với nhau các không gian khác như phòng khách, bếp. Photo: Handout
Mặc dù vậy, khi làn sóng bùng phát dịch đầu tiên ở Hồng Kông đạt đỉnh, các đơn vị kinh doanh co-living cũng buộc phải giảm giá từ 15-50% để giữ chân khách thuê. Nhằm ngăn chặn sự lay lan của virus, một số đơn vị như Weave Living đã quyết định không nhận khách thuê mới trong thời gian từ tháng 3 đến tháng 5 để đảm bảo an toàn cho khách thuê hiện có và đội ngũ nhân viên.
Ông Aaron Lee, người sáng lập công ty Dash Living, chuyên vận hành chuỗi kinh doanh cho thuê co-living tại Hồng Kông và Singapore, cho biết: “Chúng tôi nhận thấy cả hai thị trường đều có khả năng phục hồi tốt với phân khúc co-living vì nơi ở là một trong những nhu cầu cơ bản của con người. Dịch vụ cung cấp không gian co-living của chúng tôi cũng như toàn ngành kinh doanh cho thuê chỗ ở nói chung luôn hấp dẫn và đầy tính cạnh tranh.”
Được biết, dù mới thành lập năm 2014 tại Hồng Kông, Dash Living đã nhanh chóng mở rộng hoạt động kinh doanh co-living sang Singapore và hiện vận hành hơn 1.000 không gian co-living tại 2 thành phố trên. Ngay giữa đại dịch, công ty này vẫn ghi nhận tỷ lệ lấp đầy trung bình đạt 90% ở cả 2 thị trường.
Ông Desmond Sim, Trưởng bộ phận Nghiên cứu thị trường Singapore và Đông Nam Á của CBRE, nhận định: “Nhu cầu sống trong nội đô, đặc biệt là từ lực lượng lao động trẻ, kết hợp với đặc thù nền kinh tế sử dụng nhiều lao động tạm thời, linh hoạt thay vì lao động cố định, toàn thời gian, là những nền tảng chính khiến thị trường co-living phát triển tương đối thành công.”
Theo ông Sim, dù thị trường nhà ở tại Singapore và Hồng Kông có nhiều sự khác biệt, cả hai đều chứng kiến phân khúc co-living trên đà phát triển mạnh mẽ. Hai thành phố luôn nằm trong top những thị trường có giá nhà đắt đỏ hàng đầu thế giới, lần lượt xếp thứ nhất và thứ ba, theo báo cáo Cuộc sống toàn cầu 2020 được CBRE công bố vào tháng 4 vừa qua. Cả Hồng Kông và Singapore đều có một lượng lớn người nước ngoài sinh sống, với nhiều trường đại học được đánh giá là tốt nhất trong khu vực, thu hút nhiều sinh viên quốc tế. Đó chính là những nguyên nhân khiến mô hình co-living “sống khỏe” ngay cả trong đại dịch.
Một số công ty kinh doanh co-living tại Hồng Kông cũng đang tìm cách mở rộng hoạt động sang Singapore để khai thác tiềm năng của thị trường này. Ông Sachin Doshi, người sáng lập kiêm CEO của Weave Living cho biết công ty có kế hoạch mở rộng thị trường sang Singapore trong năm tới, dự kiến sẽ mua lại khoảng 5-6 khu bất động sản từ một đối tác địa phương.
Liên Hương