Trần Anh Toản, một môi giới chuyên văn phòng, mặt bằng bán lẻ cho thuê thừa nhận, trong 5 năm làm nghề thì 2020 đang là năm khó khăn nhất mà anh phải đối mặt. Từ sau Tết đến thời điểm hiện tại, anh có duy nhất 2 khách hỏi thuê mặt bằng văn phòng và mặt bằng kinh doanh, còn lại là chủ nhà nhờ anh tìm khách thuê và khách nhờ anh tư vấn giải quyết các vấn đề phát sinh khi họ buộc phải phá hợp đồng, trả văn phòng hoặc mặt bằng kinh doanh trước hạn.
Cùng thời điểm này những năm trước, khác với tình cảnh hiu hắt hiện tại, tuần nào anh cũng nhẵn mặt ngoài đường, dẫn khách đi xem hoặc đi khảo sát nguồn hàng. Là môi giới lâu năm trong nghề, có kinh nghiệm, năng lực, có mối quan hệ, những năm trước, anh rủng rẻng với công việc này. Thế nhưng từ sau Tết năm nay, dịch bệnh khiến công việc của anh bị ảnh hưởng nặng nề. Hai khách duy nhất từ đầu năm đến nay thì đều là khách hỏi thuê. Lúc đó, anh đã hi vọng mọi chuyện khá hơn khi dịch bệnh được kiểm soát. Nhưng với tình hình hiện tại, anh Toàn cảm thấy vô cùng u ám. Trên thực tế, để duy trì và đảm bảo cuộc sống, anh đã phải bán hàng online cùng vợ để có tiền trang trải hàng ngày.
Phần lớn môi giới của thị trường cho thuê đang phải làm thêm hoặc chuyển nghề để mưu sinh, số ít môi giới vẫn túc tắc với nghề do tập trung vào phân khúc nhà ở giá rẻ
Tương tự, với 4 năm trong nghề môi giới, chị Hoàng Hải Phương chỉ tập trung làm mảng cho thuê chung cư cao cấp. Thế nhưng khoảng 3 tháng nay, chị đã chuyển sang bán căn hộ trung cấp. Nguyên nhân là bởi nguồn khách của căn hộ cao cấp là các chuyên gia nước ngoài đã không thể sang Việt Nam do dịch bệnh. Ngay cả thời điểm dịch bệnh tại Việt Nam được kiểm soát thì nguồn cầu của thị trường vẫn vô cùng hạn hẹp. Suốt nhiều tháng liền không có khách, không chốt được hợp đồng cho thuê, chị Phương quyết định chuyển hẳn sang thị trường mua bán.
Không chỉ anh Toản, chị Phương, rất nhiều môi giới mặt bằng bán lẻ, văn phòng… đã phải chuyển nghề hoặc kiêm thêm một công việc khác để kiếm sống. Tuy nhiên, cũng tại thị trường cho thuê, một bộ phận môi giới chuyên phân khúc nhà ở giá rẻ vẫn bám trụ với nghề. Nhóm môi giới này vẫn “sống” ổn dù hoa hồng nhà giá rẻ vốn không cao.
Chị Nguyễn Mai Linh (Xuân Thủy, Cầu Giấy) cho biết những năm trước chị môi giới chính là dòng căn hộ cao và trung cấp. Nhưng do thị trường cao cấp khó khăn nên chị chuyển sang môi giới cho thuê cả dòng giá rẻ. Thời mới vào nghề, chị cũng bắt đầu với hàng giá rẻ nên đã có kinh nghiệm ở mảng này. Thay vì môi giới những căn hộ có giá trị lên tới 15-25 triệu đồng/tháng, nhiều tháng nay, chị chỉ tập trung dòng căn hộ khoảng 4-8 triệu đồng/tháng. Đây là phân khúc hướng tới phần đông dân chúng chưa có nhà tại Hà Nội. Mặc dù hoa hồng của việc cho thuê này không cao nhưng chị Linh vẫn kiên trì. “Giờ thị trường khó khăn thì mình phải chịu khó, năng nhặt chặt bị. Dù hoa hồng không được mấy nhưng chăm chỉ, tích tiểu thành đại thì vẫn sống được”, chị Linh cho biết. Chính phân khúc giá rẻ này đang mang đến nguồn thu nhập đều đặn hàng tháng cho chị dù không nhiều như hàng cao cấp.
Cũng giống như chị Linh, anh Văn Sáng (Linh Đàm) cho biết, từ khi làm mảng cho thuê chung cư đến nay, anh không chê bất cứ phân khúc nào, anh làm từ giá rẻ đến cao cấp. Chính bởi vậy, nguồn hàng và mối quan hệ của anh ở các phân khúc đều dồi dào. Dịch Covid bùng nổ và diễn biến phức tạp, môi giới thị trường cho thuê từ văn phòng, mặt bằng bán lẻ đến chung cư cao cấp đều gặp khó về nguồn khách nhưng dòng căn hộ giá rẻ vẫn ổn định nguồn cầu. Trong bối cảnh khó khăn, nhiều khách từng ở căn hộ trung cấp khi hết hạn hợp đồng chuyển sang thuê nhà giá rẻ. Chính dòng sản phẩm này là cái phao giúp anh vẫn có thu nhập, duy trì cuộc sống ổn định trong thời gian qua. Tháng 7 vừa rồi anh Sáng môi giới được 4 căn hộ cho thuê có giá từ 4,5-8 triệu đồng/căn/tháng. Anh Sáng cho biết trong cái khó sẽ ló cái khôn, khó khăn nào thì cũng sẽ có cơ hội trong đó, môi giới cần nhận thấy, biết tận dụng và thay đổi để thích nghi.
Miên Miên