Đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh Covid-19 sau nhiều ngày không ghi nhận ca nhiễm mới trong cộng đồng và chưa có ca tử vong. Theo Bộ Y tế, Việt Nam đang bước vào trạng thái “bình thường mới”, vừa tập trung phục hồi, phát triển kinh tế, vừa không chủ quan trong phòng, chống dịch hiệu quả. Thị trường bất động sản cũng theo đà đó phục hồi. Các dự án nhà ở được giới thiệu, mở bán tiếp trên thị trường. Thế nhưng bất động sản nghỉ dưỡng và mặt bằng bán lẻ cho thuê – những phân khúc chịu ảnh hưởng nặng nề của đại địch Covid-19 đang có sự chuyển biến trái ngược nhau. Hiện bất động sản nghỉ dưỡng đang có những tín hiệu khởi sắc khi mới đây, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch (Tổng cục Du lịch) phối hợp với các địa phương phát động Chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”, triển khai từ 1/6 – 31/12/2020. Các thị trường du lịch trọng điểm cũng tung ra hàng loạt chương trình kích cầu.
Thế nhưng, bất động sản bán lẻ vẫn đang chật vật sau dịch. Theo tìm hiểu của
Batdongsan.com.vn, dù nhịp sống đã nhộn nhịp trở lại, đại dịch đã được kiểm soát và có dấu hiệu hạ nhiệt nhưng trên nhiều con phố tấp nập kinh doanh, buôn bán của Hà Nội như Tràng Thi, Hàng Bông, Hàng Đường, Hàng Ngang, Lương Văn Can, Hàng Đào, Hàng Buồm, Hàng Gai, Chợ Đồng Xuân (Hoàn Kiếm), Kim Mã, Liễu Giai, Núi Trúc (Ba Đình), Chùa Bộc, Thái Hà, Thái Thịnh, Ô Chợ Dừa (Đống Đa), Cầu Giấy, Trần Đăng Ninh, Nguyễn Khánh Toàn (Cầu Giấy), Nguyễn Trãi, Lương Thế Vinh, Khương Hạ (Thanh Xuân) Bùi Xương Trạch, Định Công (Hoàng Mai)… vẫn còn nhiều mặt bằng bỏ trống, treo biển cho thuê.
Sau dịch, thị trường mặt bằng bán lẻ cho thuê tại Hà Nội vẫn hiu hắt khách thuê.
Anh Phạm Luyến (chủ một quán ăn trên phố Thái Thịnh) cho biết dịch bệnh Covid-19 đã khiến thu không đủ bù chi, dẫn đến thua lỗ nên anh buộc phải trả mặt bằng vào đầu tháng 3. Ngay khi đợt cách ly kết thúc, chủ mặt bằng đã gọi điện mời anh thuê tiếp cùng với đó là những ưu đãi như giá thuê rẻ hơn, chỉ phải đóng 3 tháng tiền nhà thay vì nửa năm như trước đây. Tuy nhiên, anh Luyến cho rằng dù Việt Nam đã kiểm soát được dịch bệnh nhưng tình hình tại nhiều nước trên thế giới vẫn phức tạp, Covid-19 lại chưa có vaccine, nên anh Luyến lo sợ dịch bệnh bùng phát thêm lần nữa. Do đó, anh quyết định chưa mở lại cửa hàng. Hiện mặt bằng anh từng thuê trên phố Thái Thịnh vẫn đang để trống dù chủ nhà tích cực rao cho thuê.
Tương tự, ông N.V.Hưởng, chủ một căn nhà mặt phố 3 tầng ở Đào Duy Từ (Hàng Buồm, Hoàn Kiếm) có giá thuê 5.000 USD/tháng, cũng rao thuê hơn 2 tháng nay nhưng chưa có khách hỏi thuê. Nhiều năm trước, mặt bằng này “hot” tới mức không cần thông qua môi giới, ông Hưởng chỉ cần treo biển là có khách hỏi thuê. Nhưng đến nay, sau 2 tháng kết hợp cả treo biển, nhờ môi giới, rao thuê trong các hội nhóm nhưng căn nhà có vị trí mặt phố đắc địa này vẫn đang để trống. Ông Hưởng cho biết: “Các hoạt động đã trở lại bình thường nhưng vẫn chưa có khách thuê khiến tôi rất sốt ruột. Một nguồn thu nhập thụ động không nhỏ của gia đình tôi đã biến mất trong mấy tháng qua”. Đây cũng là thực trạng đang diễn ra ở nhiều con phố kinh doanh sầm uất khác của Hà Nội sau đại dịch.
Lý giải về thực trạng nhà mặt phố vẫn hiu hắt khách thuê, bà Hoàng Diệu Trang, Quản lý Cấp cao, Dịch vụ Cho thuê Thương mại, Savills Hà Nội cho biết, thực tế trên là hệ quả của hai nguyên nhân chính: sự gián đoạn chuỗi cung ứng và sự tái cấu trúc hoạt động kinh doanh của chủ thuê. Trước đây, những địa điểm có hoạt động kinh doanh nhộn nhịp như khu vực trung tâm Hà Nội luôn trong tình trạng khan hiếm mặt bằng cho thuê và giá thuê tương đối cao. Tuy vậy, dịch bệnh Covid-19 đã khiến gần 50% số lượng khách thuê trả lại mặt bằng. Hơn nữa, lệnh đóng cửa, kiểm soát biên giới của Trung Quốc đã gây ảnh hưởng nặng tới nguồn cung cấp hàng cho các hoạt động kinh doanh tại khu phố trung tâm, khiến cho việc tiếp tục buôn bán là gần như không thể.
Trong trường hợp không có khách, việc giảm giá cho thuê cũng chưa đủ để duy trì hoạt động kinh doanh tại đây. Đơn cử, ngành thời trang với nguồn hàng nhập từ Trung Quốc, phục vụ giới trẻ thường tập trung nhiều ở trục phố Hàng Bông, Kim Mã, và hai mảng thị trường lớn ở Cầu Giấy và Đống Đa bị ảnh hưởng không nhỏ. Và sự ảnh hưởng này sẽ là ảnh hưởng mang tính dây chuyền.
Trên khía cạnh vĩ mô về sự phát triển của thị trường bán lẻ sau dịch bệnh, Việt Nam phụ thuộc nhiều vào tình trạng kiểm soát Covid-19 của các nước trong chuỗi cung ứng đặc biệt là Trung Quốc. Việc xử lý dịch bệnh của những nước này sẽ tác động đến sự phục hồi thị trường bán lẻ trong nước. Nếu nguồn hàng và việc kiểm soát dịch bệnh tại đây vẫn chưa đạt được mức độ an toàn tuyệt đối, bất động sản thương mại vẫn sẽ bị ảnh hưởng trong một thời gian không thể tính theo ngày, mà theo tháng, bà Trang nhấn mạnh.
An An