tuyến cao tốc
UBND tỉnh Lạng Sơn vừa đề xuất hai phương án đầu tư cao tốc Hữu Nghị – Chi Lăng

Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu UBND tỉnh Lạng Sơn làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư về khả năng hỗ trợ vốn trung ương cho dự án cao tốc Chi Lăng – Hữu Nghị. Về phương án đầu tư, tỉnh Lạng Sơn chủ động lựa chọn, tránh lãng phí, đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, kinh tế.
Trước đó, gửi đề xuất lên Thủ tướng, UBND tỉnh Lạng Sơn đưa ra 2 phương án đầu tư. Thứ nhất là đầu tư dự án với chiều dài 43km, nền đường rộng 22m, quy mô 4 làn hoàn chỉnh. Tổng mức đầu tư theo phương án này là 8.790 tỷ đồng, trong đó, 1.750 tỷ đồng là vốn của nhà đầu tư, 1.000 tỷ đồng là từ ngân sách tỉnh, 2.160 tỷ đồng là ngân sách trung ương và 3.400 tỷ đồng là vốn vay thương mại.
Thứ hai là đầu tư cao tốc gồm một đoạn có nền đường rộng 13,5m, quy mô 2 làn xe; đoạn còn lại có nền đường rộng 17,5m, quy mô 4 làn xe. Theo phương án này, tổng vốn đầu tư là gần 6.000 tỷ đồng, trong đó có 1.600 tỷ đồng là vốn của nhà đầu tư, 1.000 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh, 1.347 tỷ đồng từ ngân sách trung ương và 2.000 tỷ đồng là vốn vay thương mại.
Bộ GTVT đề nghị nghiên cứu bổ sung phương án phân kỳ: giải phóng mặt bằng và đầu tư nền, công trình theo quy mô 4 làn hoàn chỉnh rộng 22m; phân kỳ đầu tư mặt đường theo quy mô 17,5m và 13,5m như đề xuất của tỉnh Lạng Sơn (tương tự tuyến cao tốc Nội Bài – Lào Cai đoạn Yên Bái – Lào Cai). Đây sẽ là cơ sở để lựa chọn phương án tối ưu nhất.
Chủ trương ban đầu mà Bộ GTVT đưa ra là đầu tư tuyến cao tốc với quy mô 4 làn xe, chủ đầu tư là Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC). Tổng vốn đầu tư là 8.743 tỷ đồng, sử dụng nguồn vay thương mại từ Ngân hàng phát triển châu Á (ADB). Sau đó, Thủ tướng đã chấp thuận bổ sung đoạn tuyến này vào dự án BOT cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn do nguy cơ có thể gia tăng nợ công. UBND tỉnh Lạng Sơn được giao là cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Tuy nhiên, do các nhà tài trợ từ chối cho vay vì lo ngại không thể hoàn vốn nên việc triển khai dự án gặp nhiều khó khăn.

Khánh Trang