Từ mô hình nhà vườn sơ khai…

Hơn chục năm trước, hàng loạt các khu vực ven đô như Hòa Bình, Sóc Sơn, Ba Vì (vốn là Hà Tây cũ, nay là Hà Nội) là điểm nóng của thị trường bất động sản ven đô. Thời điểm đó, Hà Nội thông qua đề án quy hoạch, giới đầu tư đã nhìn ra tiềm năng phát triển bất động sản nghỉ dưỡng ven đô của những khu vực có lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, địa hình, đặc trưng văn hóa vùng miền.
Họ ồ ạt đổ tiền về đây mua đất với kì vọng có thể thắng lợi khi bán lại cho các chủ đầu tư phát triển dự án quy mô hoặc những cá nhân có ý định kinh doanh biệt thự, nhà vườn nghỉ dưỡng.
Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng kinh tế 2008 kéo theo khủng hoảng bất động sản đã khiến đất nền ven đô rơi vào trạng thái đóng băng. Thị trường lao dốc, rất nhiều nhà đầu tư rao bán cắt lỗ những khu đất lên tới hàng chục ngàn m2 nhưng không ai hỏi mua. Nhiều nhà đầu tư găm đất chờ thời nhưng có khi đến chục năm vẫn chôn vốn, không thoát được hàng.
Trong khoảng lặng hơn 10 năm đó, những thị trường ven đô trên vẫn xuất hiện số ít người giàu Hà Nội về đây mua đất xây biệt thự, nhà vườn để chính bản thân và gia đình nghỉ dưỡng cuối tuần. Những khu nhà vườn rộng từ vài ngàn đến vài chục ngàn mét vuông có nhà riêng, ao hồ, vườn cây ăn quả… Họ thuê người trông năm, chăm sóc “ngôi nhà thứ 2”.
Nhận định về xu hướng khi đó, ông Nguyễn Thành Trung, Giám đốc Công ty CP Phát triển nghỉ dưỡng Ngoại ô cho biết, mô hình nghỉ dưỡng nhà vườn, biệt thự ngoại ô của nhà giàu Hà Nội dần hình thành những cộng đồng. Họ hội tụ thành một quần thể, được gọi là “xóm Hà Nội”. Ban đầu, họ thuê tối thiểu 2 người để trông nom cơ ngơi. Thế nhưng việc trông nom chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn vệ sinh, bảo trì. Đến những năm 2009-2010, thị trường ven đô bắt đầu xuất hiện những công ty quản lý để vận hành, chăm sóc “ngôi nhà thứ hai” chuyên nghiệp hơn.
Ông Nguyễn Thành Trung đánh giá mô hình trên vấp phải hai điểm hạn chế. Thứ nhất, gia chủ phải tốn kém chi phí cho việc trông nom, quản lý ngôi nhà của mình. Thứ hai, là những sản phẩm này khó thanh khoản khi cần bán vì tính chất cá nhân, riêng biệt của sản phẩm. Tập khách hàng của phân khúc này không đại chúng, chỉ là một nhóm nhỏ có cùng sở thích với chủ nhà.

Ngôi nhà màu nâu tím cạnh bể bơi, sân vườn trong một khu bất động sản nghỉ dưỡng ven đô Hà Nội.
Từ năm 2012, thị trường nghỉ dưỡng ven đô có những biến chuyển đáng chú ý. Ảnh minh họa

… đến cuộc chuyển hóa mạnh mẽ

Từ năm 2012, thị trường nghỉ dưỡng ven đô có những biến chuyển đáng chú ý. Mô hình nhà vườn bắt đầu trở nên lạc lõng. Ông Trung cho biết, chỉ còn dưới 20% lượng biệt thự được sử dụng với mục đích là nơi nghỉ dưỡng cuối tuần của gia chủ. Khoảng 80% những căn biệt thự, nhà vườn còn lại được cải tạo và chính thức gia nhập thị trường homestay. Sự chuyển hóa diễn ra mạnh mẽ trong giai đoạn 2012-2015. Hòa Bình, Ba Vì, Sóc Sơn… bắt đầu xuất hiện những khu nghỉ dưỡng quy mô, có sự đầu tư bài bản thay vì chỉ là mô hình nhà vườn của các cá nhân đơn lẻ. Một số cái tên có thể kể đến như Serena Kim Bôi, Mai Châu HideAway resort, Mai Châu Ecologde, V Resort… (Hòa Bình); Tản Đà Resort, Ba Vì Resort, Bella Resort, Paragon Hill, Melia Bavi Moutain Retreat (Ba Vì), Blue Resort, Luxury Resort, Shin Resort, Lala house (Sóc Sơn)…
Ông Trung cho biết những mô hình nghỉ dưỡng ven đô mới mang tính đại chúng hơn và cũng khắc phục được những điểm hạn chế của mô hình nhà vườn, biệt thự nghỉ dưỡng trước đó. Ông Trung nêu rõ 3 điểm mới mẻ của mô hình nghỉ dưỡng mới này.
Thứ nhất, mô hình nghỉ dưỡng mới đề cao không gian công cộng rộng và dịch vụ, tiện ích đầy đủ.
Thứ hai, thay vì tự bỏ tiền túi để duy trì ngôi nhà thứ hai của mình, chủ nhà có nhu cầu gia tăng thu nhập bằng việc hợp tác kinh doanh với đơn vị quản lý.
Thứ ba, tính chất cá nhân hóa ở những “ngôi nhà thứ 2” được giảm bớt, hướng tới đề cao vẻ đẹp đồng bộ với cảnh quan chung.
Cũng theo ông Trung, điều đáng chú ý, là từ năm 2019 đến nay, nghỉ dưỡng ngoại ô tiếp tục có những bước tiến mới khi các khu nghỉ dưỡng ngoại ô vận hành theo mô hình ủy thác quản lý được vận hành chuyên nghiệp và hình thành mới liên tục. Bên cạnh đó, những ông lớn trong làng địa ốc liên tục tiến quân về các thị trường ngoại ô với các dự án có quy mô rất lớn.

Duy Bách