Nhiều dự án nghỉ dưỡng quy mô lớn đổ bộ

Theo dữ liệu lớn (big data) của muaban.vin, vào năm 2019, Hòa Bình nổi lên như một hiện tượng tìm kiếm trên Batdongsan.com.vn – kênh thông tin bất động sản có lượng truy cập lớn nhất Đông Nam Á. Theo đó, vào quý 3/2019, Hòa Bình là tỉnh có sự tăng trưởng lượng truy cập tìm kiếm bất động sản cao nhất trong số các tỉnh phía Bắc. Lượng tìm kiếm tại Hòa Bình tăng 73% so với quý 2/2019. Lương Sơn, Kỳ Sơn và thành phố Hòa Bình là những khu vực đứng đầu về lượng tìm kiếm.
“Sóng” bất động sản ở Hòa Bình giai đoạn này được lý giải là do làn sóng đổ về đầu tư của hàng loạt tên tuổi lớn trong làng địa ốc. Cuối năm 2018, tại Hội nghị xúc tiến đầu tư, các doanh nghiệp đã đăng ký đầu tư 95.000 tỷ đồng vào Hoà Bình. Từ đó đến nay, thị trường bất động sản Hòa Bình – một thị trường lặng lẽ trên bản đồ bất động sản phía Bắc trong những năm gần đây bỗng được kích hoạt mạnh mẽ.
Riêng ông lớn FLC có kế hoạch đầu tư 36.000 tỷ đồng với hàng loạt dự án nghỉ dưỡng quy mô lớn tại Yên Thủy, Kì Sơn và thành phố Hòa Bình. Tại huyện Kì Sơn, FLC dự định triển khai dự án khu du lịch nghỉ dưỡng, đô thị sinh thái, thể thao và vui chơi giải trí núi Viên Nam với quy mô khoảng 567ha và dự án khu du lịch nghỉ dưỡng, đô thị sinh thái Thung Nai 184ha. Tại Yên Thủy là khu du lịch nghỉ dưỡng, đô thị sinh thái, thể thao và vui chơi giải trí có tổng vốn đầu tư trên 10.000 tỷ đồng, quy mô trên 690ha. Tại thành phố Hòa Bình là khu trung tâm đa chức năng Quỳnh Lâm với quy mô 79ha.
Không chỉ FLC, ông lớn T&T Group cũng đề xuất nghiên cứu đầu tư xây dựng 7 dự án quy mô lớn thuộc nhiều lĩnh vực từ bất động sản, dịch vụ, thương mại và nông nghiệp.
Geleximco cũng ghi dấu ấn với việc khai trương sân golf 27 lỗ, trúng thầu hai dự án khu đô thị lớn là dự án khu đô thị sinh thái Trung Minh – Geleximco 60ha với tổng vốn đầu tư 1.740 tỷ đồng và dự án khu đô thị mới Hoà Bình – Geleximco 3.602 tỷ đồng.

Thác thăng thiên của Hòa Bình phát triển du lịch nghỉ dưỡng
Cảnh quan thiên nhiên đẹp là lợi thế giúp Hòa Bình phát triển bất động sản nghỉ dưỡng.

Hòa Bình – sự trỗi dậy của nghỉ dưỡng ven đô
Ông Nguyễn Mạnh Thản, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội cho biết du lịch và nghỉ dưỡng ven đô có lịch sử phát triển từ khá lâu nhưng chưa có bước tiến mạnh mẽ khi sự phát triển còn mang tính chất nhỏ lẻ, tản mạn và tự phát. Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội nhận định nghỉ dưỡng ven đô sẽ là xu hướng của tương lai bởi người dân ở các thành phố lớn đang chịu áp lực lớn về môi trường. Trong khi đó, khoảng cách di chuyển ngắn và chi phí thấp trở thành ưu điểm của nghỉ dưỡng ven đô, giải tỏa những áp lực và đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng của người dân thành thị. Trong khi đó, tại những thành phố lớn, nơi người dân bị áp lực về môi trường, cuộc sống thì du lịch ven đô là một nhu cầu cần thiết.
Theo báo cáo mới nhất của Sở Du lịch Hà Nội, năm 2019, ngành Du lịch Thủ đô đã đón gần 29 triệu lượt khách, tăng 10,1% so với năm 2018. Cơ cấu khách du lịch gồm hơn 7 triệu lượt khách quốc tế, tăng 17% so với năm 2018 (có 4,931 triệu lượt khách quốc tế có lưu trú). Khách nội địa đạt gần 22 triệu lượt, tăng 8% so với năm 2018. Trong khi đó, năm 2019, một điểm nóng của du lịch biển là Nha Trang (Khánh Hòa), số liệu của Sở Du lịch tỉnh cho thấy có gần 7,2 triệu lượt khách du lịch với khoảng 21 triệu ngày lưu trú, tăng lần lượt 12,6 % và 23,4% so với cùng kỳ năm 2018; khách quốc tế ước đạt 3,6 triệu lượt tăng 27,5%. Như vậy, có thể nhận thấy nguồn cầu của thị trường bất động sản du lịch nghỉ dưỡng Hà Nội đang rất dồi dào, gấp 4 lần thị trường Nha Trang, trong khi các cơ sở lưu trú (hệ thống resort, khách sạn chuẩn 5 sao) của Hà Nội chưa tương xứng với tiềm năng.
Chính bởi vậy, không khó để nhận ra, một lượng không nhỏ các dự án đình đám mà các ông lớn địa ốc đang đổ vào Hòa Bình đều là các dự án du lịch nghỉ dưỡng, đô thị sinh thái. Cách Hà Nội 35-40km, một khoảng cách không quá gần và cũng không quá xa, chỉ cần 1 tiếng di chuyển ô tô là có thể đặt chân tới Hòa Bình. Vùng đất này sở hữu địa thế đồi núi thấp, phong cảnh thiên nhiên đẹp, đa dạng và nền văn hóa dân tộc bản địa đặc sắc nên có nhiều lợi thế để phát triển nghỉ dưỡng ven đô.
Du lịch Hòa Bình liên tục có sự tăng trưởng đáng chú ý trong những năm gần đây. Theo số liệu của Sở du lịch tỉnh, năm 2018, Hòa Bình đón 2,7 triệu lượt khách du lịch, trong đó có hơn 300 ngàn lượt khách quốc tế. Đến năm 2019, lượng khách du lịch tỉnh tăng lên gần 3 triệu, trong đó khách quốc tế tăng lên trên 400 ngàn lượt, tổng thu từ hoạt động du lịch dự kiến đạt khoảng 2.000 tỷ đồng.
Trong bối cảnh thị trường nghỉ dưỡng ven biển đã bão hòa và giảm tốc từ hơn hai năm nay thì nghỉ dưỡng ven đô đang nổi lên như một xu hướng đầu tư mới về nghỉ dưỡng. Bởi đây là thị trường nhiều tiềm năng và chưa được khai thác xứng tầm, vẫn còn nhiều dư địa để phát triển. Chính bởi vậy, không khó hiểu khi nhiều ông lớn đổ về đây với các dự án đình đám.

Duy Bách