Từ sau Tết, trong khi phần lớn bạn bè bán sản phẩm nghỉ dưỡng, căn hộ cao cấp đều trong tình cảnh “ngồi chơi” thì anh Đoàn Phan Huý, nhân viên kinh doanh một sàn giao dịch tại Thanh Xuân vẫn túc tắc giao dịch. Chưa đầy 2 tháng sau Tết, anh chốt thành công 4 giao dịch. Đáng chú ý, cả 4 giao dịch đều là các căn hộ chuyển nhượng. 7 năm kinh nghiệm trong nghề môi giới bất động sản, anh Huý tập trung bán chính sản phẩm chung cư tầm trung.

Theo anh, từ năm ngoái đến nay, Hà Nội khan hiếm sản phẩm mới nên bên cạnh số ít dự án công ty tham gia phân phối, anh tập trung bán hàng chuyển nhượng là dòng căn hộ tầm trung. Thực trạng nhà thủ đô ngày càng đắt đỏ, dự án mới giá luôn cao hơn trước khiến những dự án cũ nằm trong mối quan tâm của phần đông khách hàng thu nhập thấp.
Dù thị trường khó khăn kéo dài từ năm 2019 đến nay nhưng riêng dòng sản phẩm căn hộ giá rẻ vẫn giao dịch tốt. “Khi thị trường khó khăn, nhu cầu đầu tư có thể không còn lớn nhưng sản phẩm hướng tới nhu cầu thực của khách hàng vẫn có chỗ đứng bởi nhu cầu an cư của người dân tại các thành phố luôn có sẵn và rất lớn. Khi có sản phẩm hợp lý thì người mua ở thực sẽ xuống tiền dù có thể còn phải đi vay thêm”, anh Húy cho biết.
Một khảo sát của Batdongsan.com.vn tại các thị trường ven Hà Nội như Hoài Đức, Đông Anh, Thanh Trì cũng cho thấy, trong khi những nền đất có vị trí đẹp đắc địa, hướng tới kinh doanh buôn bán được giới đầu tư ôm từ trước đìu hiu không có người hỏi mua, thì những mảnh đất hướng tới nhu cầu thực vẫn có giao dịch. Ông Nguyễn Văn Miên, một nhà đầu tư tại Hoài Đức cho biết, từ giữa năm 2019 đến đầu năm 2020, thông tin lên quận khiến đất Hoài Đức có những cơn sốt nhẹ. Thế nhưng dịch bệnh ập đến, giao dịch của giới đầu tư đã chững lại. Tuy nhiên, những mảnh đất giá rẻ, từ 500 triệu đến dưới 1 tỷ vẫn có khách là những cặp vợ chồng trẻ hỏi mua. Số giao dịch ít ỏi của thị trường trong tháng vừa qua mà ông và nhiều môi giới thực hiện chủ yếu là ở đối tượng khách hàng này.

Ngôi nhà đang xây móng, một số công nhân làm việc
Dòng sản phẩm hướng tới nhu cầu thực vẫn đang hút dòng tiền. Ảnh minh họa

Tương tự, tại khu vực Đông Anh, theo khảo sát của Batdongsan.com.vn, dù thị trường trầm lắng vì dịch bệnh nhưng số ít giao dịch diễn ra tập trung chủ yếu ở dòng sản phẩm hướng tới nhu cầu thực. Những nền đất có diện tích nhỏ 40-60m2 khoảng giá 600 triệu – 1 tỷ gần khu công nghiệp Bắc Thăng Long ghi nhận giao dịch tốt. Giá bán cũng giảm nhẹ 1-2 giá so với cùng kỳ năm ngoái. Đơn cử, đất thổ cư ở Sáp Mai (Võng La), gần cổng C khu công nghiệp Bắc Thăng Long, vào cuối năm ngoái đường nhỏ có giá bán từ 10-11 triệu đồng/m2 thì nay giá đi ngang hoặc giảm nhẹ với mức dao động từ 8-10 triệu đồng/m2; đường to trước đây rao bán từ 13-15 triệu đồng/m2 thì nay giá chào bán là 12-14 triệu đồng/m2.
Tương tự, đất tại Mỹ Nội, Bến Trung, Quan Âm (Bắc Hồng), đường 2,5m, được chào bán từ 10-13 triệu đồng/m2 vào cuối năm ngoái thì nay giá giao dịch là 10-11 triệu đồng/m2, đường lớn có giá cao hơn từ 15-20 triệu đồng/m2 thì giá chào bán hiện tại là 14-18 triệu đồng/m2. Đất tại thôn Đoài, làng Đìa, làng My, làng Vệ (Nam Hồng) dao động từ 13-16 triệu đồng/m2 vào cuối năm ngoái thì một số mảnh giao dịch thành công với giá 12-14 triệu đồng/m2. Đất tại thôn Đông Bầu (Kim Chung) có giá từ 16-18 triệu đồng/m2 vào cùng kỳ năm ngoái thì nay giá rao bán là 15-16 triệu đồng/m2.
Theo nhà đầu tư Mai Thế Chung (Cầu Giấy, Hà Nội), người đã có hơn 10 năm gắn với thị trường bất động sản thì trong những cơn khủng hoảng, trầm lắng của thị trường, sản phẩm hướng tới nhu cầu thực luôn có chỗ đứng. Đây là phân khúc mà nhu cầu luôn luôn hiện hữu trong bất cứ hoàn cảnh nào. Do đó, theo ông, việc đầu tư lâu dài và bền vững, thay vì nhăm nhăm đón sóng thông tin thị trường để thu lời cần có 1 nguyên tắc xác định là mảnh đất đó, khu đất đó cần bao lâu thời gian để tiếp cận người ở thực. Điều này dựa trên việc đánh giá tốc độ gia tăng dân số, tốc độ đô thị hóa và tốc độ phát triển kinh tế của vùng. Nhà đầu tư cần đặc biệt lưu ý.

Hải Nguyên