So với cùng thời điểm sau Tết các năm, các “thiên đường” nhà trọ công nhân, sinh viên ở Hà Nội như Mễ Trì Hạ, Mễ Trì Thượng, Nhân Mỹ, Tân Mỹ (Nam Từ Liêm), Bùi Xương Trạch, Triều Khúc (Thanh Xuân), Nhổn, Diễn (Bắc Từ Liêm)… đìu hiu hơn hẳn. Các ngõ ngách nhan nhản các bảng treo thuê nhà nhưng người hỏi thuê gần như không có hoặc chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Bà Lan (chủ nhà trọ khu Tân Mỹ, Nam Từ Liêm) cho biết, khu nhà trọ 15 phòng của bà, trước tết 20 ngày có tới 1/2 số phòng bị bỏ trống. Nguyên nhân là những người lao động ngoại tỉnh gồm công nhân, người bán hàng rong, thu gom ve chai, phụ việc tại các quán ăn… lần lượt trả phòng. “Họ về quê ăn Tết sớm và ngoài rằm tháng Giêng mới quay lại nên trả phòng để tiết kiệm chi phí. Trong số họ cũng nhiều người xác định về quê hẳn”, bà Lan cho biết .
Sau 7 năm cho thuê trọ, bà Lan đã quen với thực trạng này. Ra Tết, bà luôn chuẩn bị tinh thần đón những khách thuê mới. Và thường chỉ trước rằm khoảng đôi ba ngày, những căn phòng trống nhanh chóng được lấp kín. Thế nhưng năm nay dịch bệnh Corona khiến khu trọ của bà vô cùng vắng vẻ. Những phòng trống đến thời điểm hiện tại vẫn không có người thuê. Những căn phòng còn lại thì sinh viên do nghỉ dịch bệnh vẫn chưa quay lại trường học. 7 năm cho thuê trọ, đây là thời điểm sau Tết bà Lan thấy đìu hiu nhất.
Thông thường sau khi kết thúc đợt nghỉ lễ, người ngoại tỉnh đổ về Hà Nội bắt đầu hành trình mưu sinh. Mọi năm chỉ cần đến rằm tháng Giêng, những căn phòng trống dần được lấp đầy. Thế nhưng năm nay do dịch bệnh Corona, người dân hạn chế đi lại, di chuyển nên các khu trọ vẫn khá vắng vẻ. Bà Nguyễn Thị Nhung, chủ nhà trọ ở Dịch Vọng Hậu (Cầu Giấy) cũng xác nhận tình trạng phòng trọ hiu hắt sau Tết. Đã qua Tết chục ngày, những căn phòng trống của bà đều không có người hỏi.

Một dãy nhà trọ cho thuê vắng vẻ, các phòng đóng kín cửa, một người đàn ông đi ở sân.
Cùng là thời điểm sau Tết nhưng chưa bao giờ các “thiên đường” nhà trọ dành cho sinh viên
công nhân ở Hà Nội lại ế ẩm như thời hiện tại. Ảnh minh họa: internet

Ông Trần Khanh, chủ một xóm trọ mới xây ở Mễ Trì (Nam Từ Liêm) cho biết dãy nhà trọ 2 tầng của ông mới hoàn thiện trước Tết, hướng đến đối tượng sinh viên. Ngay khi ra Tết, ông đăng tin cho thuê và nhờ môi giới dẫn khách nhưng đến giờ vẫn chưa có khách thuê. Trong khi cùng thời điểm sau Tết năm ngoái, dãy phòng trọ có quy mô tương tự của ông ở Bùi Xương Trạch (Thanh Xuân) đã cho thuê được khoảng 1 nửa. “Dịch bệnh diễn biến phức tạp nên sinh viên vẫn nghỉ học, khu nhà trọ của tôi tiếp tục để trống, không có khách. Nếu tình hình dịch bệnh không khả quan hơn tôi không có khoản thu từ việc cho thuê, trong khi tiền đầu tư dãy nhà trọ là vay ngân hàng”, ông Khanh cho biết.
Tương tự, các khu trọ tại Bùi Xương Trạch, Triều Khúc (Thanh Xuân), Diễn, Nhổn (Bắc Từ Liêm) đều hiu hắt, hiếm khách hỏi thuê. Nhiều chủ nhà trọ ngán ngẩm với tình trạng này.
Không chỉ các chủ nhà trọ, môi giới phân khúc này cũng chán nản vì không có khách. Thời điểm sau Tết các năm, chị Hoàng Liễu – môi giới phân khúc chung cư mini, nhà trọ cao cấp khu Cầu Giấy, Nam Từ Liêm vẫn có khách hỏi thuê đều. Thế nhưng năm nay, dịch bệnh khiến sinh viên nghỉ học dài ngày, các chủ nhà thì liên tục gửi hàng nhưng lượng khách hỏi thuê chỉ bằng 1/3 so với các năm trước và khách chủ yếu là người đi làm, các gia đình trẻ.
Anh Bùi Văn Đĩnh, một môi giới chuyên giới thiệu nhà trọ cho công nhân, người lao động tự do với mức phí 100-200 nghìn đồng/lần đã về quê nghỉ từ cuối tuần vừa rồi. Anh lên Hà Hội từ mùng 6 Tết và từ đó đến nay không có khách hỏi thuê, trong khi mọi năm đây là thời điểm anh tất bật với khách. Anh dự định thời gian tới khi dịch bệnh được kiểm soát, mọi thứ dần trở lại guồng quay thì mới quay lại Hà Nội, bắt đầu tiếp công việc.

Bạch Cúc