Giá thuê sụt giảm

Hơn 2 năm trước, bà Nguyễn Minh H (Ba Đình, Hà Nội) bỏ ra 4 tỷ đồng mua một căn hộ cao cấp tại Tây Hồ. Sau khi nhận nhà, bà đầu tư làm nội thất, nâng tổng giá trị căn hộ lên gần 4,4 tỷ đồng. Nửa năm trước, căn hộ được cho thuê với giá 25 triệu đồng/tháng nhưng giá thuê của 4 tháng gần đây chỉ là 22 triệu đồng/tháng.
Trong hình là những tòa chung cư cao cấp nằm bên một dòng sông
Giới đầu tư Hà Nội ôm trái đắng với căn hộ cao cấp
Nguồn cung căn hộ cao cấp tại khu vực Tây Hồ và các khu vực lân cận đang càng ngày càng lớn. Bên cạnh đó, thị trường cho thuê hướng tới đối tượng khách hàng cao cấp ở Tây Hồ còn chịu sự cạnh tranh gay gắt với căn hộ dịch vụ, biệt thự sân vườn, nhà vườn cũng vốn thịnh hành và nở rộ khiến giá thuê căn hộ sụt giảm. Bà H nhớ lại, 4 năm trước, cùng phân khúc, diện tích, tương đương khu vực, bà có thể cho thuê với giá khoảng 30-35 triệu đồng/tháng nhưng những năm gần đây, giá thuê chỉ còn bằng 2/3.
Tương tự bà H, ông N.M.K (Nam Từ Liêm, Hà Nội) sở hữu 1 căn hộ cao cấp tại Nam Từ Liêm có giá gần 5 tỷ. Thời điểm khi mới nhận bàn giao, ông từng cho người Hàn thuê với giá 34 triệu đồng/tháng. Nhưng đó là mức giá thuê của khoảng 5 năm về trước. Theo thời gian, khi nguồn cung nhiều lên, căn hộ của ông chịu sự cạnh tranh với nhiều dự án khác và giá thuê hiện tại chỉ là 28 triệu đồng/tháng. Theo ông K, so với mặt bằng chung thì các căn hộ tại dự án này vẫn có giá thuê cao so với mặt bằng chung. Tuy nhiên, nhiều thời điểm, ông vẫn phải để trống phòng trong thời gian dài và chật vật nhờ môi giới tìm khách thuê.

Cắt lỗ sâu vẫn khó bán

Sau một thời gian cho thuê thấy mức lợi thu về thấp, không bằng lãi suất ngân hàng, cùng với đó chứng kiến nguồn cung tăng lên, bà Nguyễn Minh H lo sợ càng để lâu, chất lượng dự án đi xuống thì căn hộ sẽ mất giá. Hơn nữa, bà cần tiền cho con đi du học nên quyết định đẩy hàng. Tuy nhiên, nửa năm nay vừa cho thuê vừa nhờ môi giới rao bán, bà vẫn chưa bán được. Ban đầu, bà xác định sẽ bán chênh nhẹ so với tổng số tiền đã bỏ ra. Thế nhưng, không có người mua, bà dần giảm giá, từ mức giá bằng số vốn đến cắt lỗ nhẹ và hiện giờ giá rao bán là 3,8 tỷ nhưng vẫn chưa có người mua.
Khác với bà H mua đầu tư, chị Hải Huyền (Hà Đông, Hà Nội) mua 1 căn hộ cao cấp trên đường Tố Hữu với mục đích để ở. Tiền nhà và nội thất tổng hết 3,3 tỷ. Khi mới mua, chị Huyền từng kì vọng vị trí đẹp, tiện ích và dịch vụ cao cấp sẽ giúp căn hộ nếu không chênh được thì sẽ giữ giá. Sau gần 3 năm ở, thời điểm giữa năm, chị và chồng quyết định chuyển công tác vào TP.HCM nên bán căn nhà. Tham khảo mức giá của những người đã bán, hai vợ chồng chỉ để mức giá 3,2 tỷ nhưng không giao dịch được. Sau đó, anh chị cắt lỗ xuống 2,8 tỷ vẫn không có khách xuống tiền. Không muốn cắt lỗ sâu hơn, sau một thời gian cân nhắc, cả 2 vợ chồng quyết định cho thuê căn hộ.
Anh Trần Minh Đạo, môi giới chuyên phân khúc căn hộ cao cấp cho biết phần lớn giới đầu tư căn hộ cao cấp thị trường Hà Nội những năm gần đây đều ôm trái đắng thua lỗ khi giá thuê sụt giảm qua các năm còn giá bán thì dù cắt lỗ vẫn rất chật vật để đẩy được hàng. Thị trường thiếu sản phẩm đầu tư hấp dẫn nên nhà giàu Hà Nội thường xuyên đánh bắt xa bờ.
Nhà đầu tư Phan Văn Khương (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết sở dĩ căn hộ cao cấp sụt giảm cả giá thuê và giá bán trên thị trường chuyển nhượng không hẳn hoàn toàn do vấn đề nguồn cung đổ ra thị trường ngày một lớn, mà là vấn đề chất lượng. “Rất nhiều dự án mang danh cao cấp nhưng đi vào vận hành thì lại bộc lộ rất nhiều bất cập về chất lượng, tiện ích, dịch vụ hay những lùm xùm giữa cư dân với chủ đầu tư, ban quản trị. Chính điều này cũng là 1 nguyên nhân quan trọng khiến giá thuê và giá bán sụt giảm”, ông Khương nhấn mạnh.

Hải Miên