Theo bà Na, từ năm 2014, thị trường BĐS đã dần hồi phục và đang trên đà tăng trưởng, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo an sinh xã hội và ổn định kinh tế vĩ mô. Các chủ đầu tư, nhà phát triển BĐS cũng đã và đang định hướng lại chiến lược dự án BĐS của mình nhằm nắm bắt cơ hội và đón đầu ba xu thế nổi bật trên.
Có 3 xu thế chủ đạo trong định hướng chiến lược phát triển của doanh nghiệp bất động sản hiện nay |
Bất động sản công nghiệp – phân khúc đầu tư hấp dẫn nhất
Trưởng phòng Nghiên cứu Phát triển Sản phẩm của Phúc Khang cho biết BĐS công nghiệp hiện đang là lĩnh vực đầu tư hấp dẫn tại Việt Nam. Với vị trí thuận lợi trong khu vực châu Á, Việt Nam có nhiều cảng biển lớn được kết nối với các khu công nghiệp, trở thành tâm điểm thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước. BĐS khu công nghiệp có thể được xem là cơ hội đầu tư khả thi cho các chủ đầu tư.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cũng nhấn mạnh các yếu tố làm nên sức hút của bất động sản công nghiệp Việt Nam. Bên cạnh vị trí địa lý, sở hữu cảng biển lớn, ông Nam cho biết thêm, việc tham gia vào nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) khiến dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng trưởng mạnh. Đây là nền tảng cho phân khúc bất động sản công nghiệp và logistics phát triển.
Ngoài ra, chi phí nhân công của Việt Nam rẻ trong khi mức lợi nhuận trên chi phí và lợi nhuận trên tiền mặt, lợi nhuận thu được từ việc phát triển bất động sản công nghiệp tại Việt Nam có thể đạt 11-12%, là mức lợi nhuận cao nhất trong khu vực.
Cùng với đó, chiến tranh thương mại Mỹ – Trung với làn sóng dịch chuyển cơ sở sản xuất của các doanh nghiệp nước ngoài tại Trung Quốc và cả doanh nghiệp Trung Quốc sang các nước khác, trong đó có Việt Nam để né cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung là thời cơ cho bất động sản công nghiệp Việt Nam phát triển mạnh.
Bất động sản du lịch – nghỉ dưỡng phát triển theo mô hình phức hợp
Theo bà Na, BĐS du lịch – nghỉ dưỡng cũng còn nhiều tiềm năng phát triển trong bối cảnh tốc độ đô thị hoá cao tại Việt Nam. Đây cũng là phân khúc được nhiều chủ đầu tư, nhà phát triển quan tâm trong chiến lược phát triển sản phẩm.
Trên thực tế, thị trường BĐS nghỉ dưỡng đang khá sôi động với nguồn cung dày đặc trên cả nước. Tháng 10/2019 ngành du lịch Việt Nam đón lượt khách quốc tế cao kỷ lục từ trước tới nay, đạt gần 1,62 triệu lượt, tăng 34,3% so với cùng kỳ 2018. Số lượng nhà đầu tư chọn BĐS nghỉ dưỡng ven biển chiếm tỉ lệ lớn, khoảng 65%.
Từ nửa cuối 2018 đến nay, thị trường BĐS du lịch đã xuất hiện xu hướng các doanh nghiệp tập trung phát triển dự án theo mô hình phức hợp. Các dự án nầy có đầy đủ các dịch vụ nghỉ dưỡng, lưu trú, mua sắm, thể thao, giải trí, trải nghiệm nhằm đáp ứng nhu cầu một điểm đến cho tất cả (all-in-one) của du khách.
Bất động sản xanh – thông minh: nhu cầu gia tăng
Theo thông tin từ Bộ Xây dựng, đến hết năm 2018, Việt Nam có 87 công trình đạt chứng nhận Công trình xanh. Tuy nhiên, tốc độ phát triển công trình xanh tại Việt Nam còn khá chậm so với các quốc gia trong khu vực nhưThái Lan, Malaysia và Singapore. Chỉ vài phần trăm trong trong tổng số công trình tại Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh, trong khi đòi hỏi về chất lượng công trình từ phía khách hàng cũng như thách thức về biến đổi khí hậu đã khiến nhu cầu ngày càng gia tăng. Vì thế, BĐS xanh và thông minh được xem là một xu thế tất yếu và là một thị trường tiềm năng đối với các chủ đầu tư trong và ngoài nước.
Báo cáo và khảo sát World Green Building Trends 2018 của Dodge Data & Analytics cũng đưa ra những nhận định khả quan về tình hình phát triển công trình xanh ở Việt Nam. Các dự án công trình xanh hiện chỉ chiếm 13% nhưng dự báo sẽ tăng gấp đôi với 24% vào năm 2021. Theo báo cáo này, Việt Nam có tỷ lệ phát triển dự án chung cư cao tầng theo các hệ thống đánh giá công trình xanh vào năm 2021 cao nhất thế giới, chiếm đến 61%, so với mức trung bình thế giới là 30%. Sự quan tâm đến công trình lành mạnh cải thiện sức khỏe của Việt Nam chiếm đến 28%, cao hơn mức trung bình toàn cầu, chỉ sau Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi và Mỹ.
Bên cạnh đó, việc hình thành các khu đô thị thông minh, liền kề các thành phố lớn được xem là cứu cánh mới, giúp cho các siêu đô thị ở Việt Nam duy trì được nhịp độ phát triển bền vững trong tương lai. Phong cách ở xanh và thông minh trong các khu dân cư hiện đại, có sự tích hợp công nghệ cao được dự báo sẽ ngày càng được ưa chuộng tại Việt Nam, tương tự như các quốc gia trong khu vực. Khi nhu cầu sống xanh ngày càng gia tăng, các doanh nghiệp lớn sẽ vào cuộc nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng cũng như thực hiện trách nhiệm của doanh nghiệp với xã hội.
Miên Miên